Sunday, December 17, 2023

Phương Tấn, nhà thơ nặng tình với quê hương

Phạm Chu Sa

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Phương Tấn làm thơ rất sớm. Những bài thơ có tính triết lý, suy tư về vận người mệnh nước, có chút nổi loạn, đôi khi ma quái – đăng trên các tập san văn học nghệ thuật uy tín khi anh mới 14, 15 tuổi…

Nhà thơ Phương Tấn. (Hình: Thể Thao & Văn Hóa)

Phương Tấn viết những câu thơ già dặn về quê hương Đà Nẵng của anh khi 14 tuổi, bài “Đà Nẵng trời ni đất nớ,” 1960:

“Đà Nẵng bến chiều buông lạnh
Đò xuôi trở chuyến sang sông
Âm ba gợn mình lấp lánh
Trời ni đất nớ mênh mông
Trầm tư giáo đường ngủ gục
Giật mình khóc thét hồi chuông
Thanh âm đổ dài bắt bóng
Bóng đời lóng lánh vô tâm…
Cổ mộ, công viên vàng vọt
Chập chờn trăng dọi ma thiêng
Ghế đá là xương là cốt
Cỏ, hoa, liễu chết lặng phiền…”

Và những câu thơ với ngôn ngữ và hình ảnh lạ lùng, ma quái khi anh mới 15 tuổi, bài “Vĩnh biệt trăng, ôi một nàng thục nữ,” 1961:

“Một giọt trăng chắt chiu trong kẽ lá
Một giọt sầu thơm lạ ở trong khuya…
Lệ vây ta lửa đuốc lập lòe
Trăng ủ rũ dúi mình trong thân mộ
Mộ đỏ mộ xanh nhảy chồm lố nhố
Níu kéo thân ra ca hát véo von
Đêm bay lên xòe đôi mắt đen ngòm
Ta cởi dạ thả giữa bồn trăng huyết
Thân chẻ vụn giăng làm hoa diễm tuyệt
Kết hồn này bằng âm điệu sầu ma…”

Những câu thơ “đầu tay” của anh mãi sau này tôi mới được đọc trong tập “Thơ Phương Tấn – tuyển tập 1” anh gửi tặng tôi khi từ Mỹ về Việt Nam hồi Tháng Năm, 2023 – cùng tập “Lung Linh Tình Đầu” và “Lục Bát Phương Tấn.”

Tôi đã đọc thơ Phương Tấn trên các tạp chí văn học nghệ thuật từ giữa thập niên 1960. Nhưng tôi ấn tượng nhất khi đọc tập “Thơ Tình Của Một Thi Sĩ Việt Nam Trên Đất Mỹ” (ấn hành ở Mỹ 1970 – tái bản tại Sài Gòn 1971).

Tuy tựa là “Thơ Tình…” nhưng bàng bạc trong toàn tập thơ là hình ảnh quê hương thời chiến tranh loạn lạc với bao đau thương, mất mát cùng khát vọng hòa bình của giới trẻ miền Nam Việt Nam bấy giờ – trong đó có tôi.

Đặc biệt trong bài thơ “Người nói chuyện với mộ bia” Phương Tấn làm năm 1969 ở Texas với ngôn từ và ý tưởng khá lạ:

“Chút xương da xanh mướt
Liệu người qua nổi sông
…Trời trống huơ trống hoác
Không diệt cũng không sinh
Gió dường như quíu lưỡi
Mây mỏng phận, bạc đầu
Đời buồn sâu bóng trượt
Hồn có mà như không”

Vài năm sau khi trở về Việt Nam, thơ Phương Tấn có biến chuyển rõ nét từ ý tưởng, ngôn ngữ đến hình ảnh. Đơn cử, bài “Chuyện trò cùng anh Kiến, chị Dơi và chú Muỗi” (Biên Hòa, 1972):

“…Này anh Kiến, chị Dơi và chú Muỗi
Thịt ta thơm cứ cắn chút làm duyên
Xin đừng hỏi vì sao ta cùi cũi
Sao lòng ta quạnh vắng đến vô biên
Thơ ta giã, ướp cùng sương khói
Ướp xương da và máu ở hai miền
…Ta bẻ kiếm khi quanh thành lửa cháy
Khi cần lao mất cả ruộng vườn
Bom đạn đã nhiều hơn thóc lúa
Hận thù nhiều hơn cả tình thương…”

Cũng thời gian ở Biên Hòa, Phương Tấn viết bài “Bước ra từ nhà thương điên Biên Hòa” khá thú vị:

“Cung cúc giữa xó đời
Chờn vờn bóng ma trơi
Cười sao cười quá đỗi
Ta giỡn, kệ ta chơi …”

Đúng là Phương Tấn giỡn chơi thôi chứ nhà thơ quá tỉnh:

“…Tự ta làm khán giả
Cùng sân khấu trống không
Phá lên cười ha hả
Tên lạc chợ trôi sông…
Ta đấm ta ngã xuống
Hồn mắc nơi cành khô
…Thượng đế treo toòng teng
Nhiễu nhương cười hô hố
Và thánh thần A men!…”

Sách “Những Người Mở Đường Đưa Võ Việt Ra Thế Giới,” bên phải là sách tái bản lần thứ nhất. (Hình: Thể Thao & Văn Hóa)

Thường những người lúc trẻ làm thơ hay thì càng lớn tuổi, thơ chững lại. Nhiều khi cố gắng quá chỉ có thể viết ra những câu thơ gượng gạo – không còn là thơ! Nhưng Phương Tấn rất dài hơi, vẫn giữ được phong độ suốt thời gian dài hơn nửa thế kỷ, thơ anh ngày càng sâu lắng – có thể nói là ngày càng hay. Đặc biệt càng về sau này, ngôn ngữ lục bát Phương Tấn vẫn mượt mà nhưng lắng đọng. Hãy đọc mấy câu lục bát Phương Tấn viết ở Paris năm 2012, bài “Vô thường,” Paris, 2006-2012:

“Tôi chao hồn xuống sông Seine
Ô hay chim chóc sà bên chợt cười
Ngày lên phố lạ theo người
Đưa tay hứng lấy bóng cười từ khi…
Nắng Paris ướt chia ly
Lao xao lá cỏ ngày đi buồn buồn
Giọt thơ ai chạm mà buông
Chòng chành giữa cõi vô thường lạ chưa?”

Đặc biệt bài lục bát “Oan khiên” gồm bảy đoản khúc, Phương Tấn đã “cô đặc” lại những dằn vặt, ẩn uất suốt bốn mươi mấy năm chưa thể có câu trả lời trong đoản khúc cuối (1975 -2022):

“Hỏi ngày. Trời đất ngất ngư
Hỏi đêm. Biển động dường như sóng gầm
Hỏi người. Tưởng hỏi cõi âm
Hỏi mình. Cười ngất. Cười bầm ruột gan”

Tôi nhớ lại một thời gian dài sau 1975, những người viết có tên tuổi ở miền Nam trước kia “bị trói” hoặc không muốn viết trong sự gò bó. Cũng có thể nhiều người vẫn lặng lẽ viết và… để đó. Không biết  Phương Tấn có trong trường hợp này không. Nhưng có điều thú vị là, Phương Tấn được biết đến là một nhà thơ tên tuổi lại đứng ra tổ chức thực hiện; làm chủ biên, chủ bút các tập san võ thuật rất thành công!

Anh tham gia trong ban chủ biên hai tạp chí Nghiên Cứu Võ Thuật, Tìm Hiểu Võ Thuật và là chủ bút hai tập san Sổ Tay Võ Thuật, Ngôi Sao Võ Thuật.

Cũng qua các tập san võ thuật này, Phương Tấn đã liên kết được với nhiều võ sư nổi tiếng của các trường phái võ thuật – nhất là võ cổ truyền Việt Nam ở trong nước và các võ sư người Việt ở các nước có đông người Việt sinh sống như Pháp, Mỹ…

Phương Tấn cũng là người đứng ra tổ chức rất thành công nhiều đại hội võ thuật cổ truyền Việt Nam với sự tham gia của nhiều võ sư Việt cùng các võ sư, võ sinh  người nước ngoài về tụ hội nơi đất tổ. Một dấu son của võ cổ truyền Việt Nam do một nhà thơ tổ chức!

Đặc biệt ấn phẩm “Những Người Mở Đường Đưa Võ Việt Ra Thế Giới” (2012 – tái bản 2014) bằng ba thứ tiếng Việt-Anh-Pháp do Phương Tấn biên soạn rất công phu, ấn loát tuyệt đẹp đã gây được tiếng vang lớn trong giới võ thuật và những người yêu võ thuật nước nhà. [qd]

MỚI CẬP NHẬT