Sunday, December 17, 2023

‘Ông già Ba Tri’ Huê Nguyễn ‘lại’ triển lãm tranh giúp trẻ sứt môi

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Họa sĩ Huê Nguyễn “lại” triển lãm tranh, phải nói là “lại” bởi vì ông chỉ có một mục đích duy nhất, đó là toàn bộ số tiền bán được ông gửi hết cho Hội Smile Train để giúp trẻ sứt môi.

Họa sĩ “ông già Ba Tri” Huê Nguyễn hoàn tất tác phẩm ưng ý nhất “Con Đường Tình Ta Đi.” (Hình: Lê Nguyễn)

Vốn quê Ba Tri, Bến Tre, nên ông được gọi một cách thân mật là “ông già Ba Tri.”

Buổi triển lãm tranh của ông diễn ra trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 7 và 8 Tháng Mười, từ 10 giờ sáng, riêng Chủ Nhật từ 9 giờ sáng, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Tấm lòng từ thiện

Chỉ trừ vài năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, người họa sĩ lão thành này liên tục một lòng giúp trẻ sứt môi.

“Suốt mấy năm vì đại dịch COVID-19, không triển lãm tranh lấy tiền làm từ thiện tôi cảm thấy bứt rứt trong lòng. Nhưng hai năm nay lại được giúp các em, tôi phấn khởi lắm,” ông Huê Nguyễn nói.

Ông tiếp: “Thời gian COVID-19, tôi rất chán nản nhưng nhờ thương các em nên tôi có sự thúc đẩy để vẽ.”

Đây là lần thứ 15 họa sĩ Huê Nguyễn triển lãm để đóng góp cho các em sứt môi qua Hội Smile Train.

Cơ duyên đến với ông từ 1982.

“Năm 1982, đọc báo Time, tình cờ tôi thấy mẩu tin nhỏ về hoạt động của Smile Train cứu giúp trẻ em sứt môi; tôi cắt ra, dán vào tờ giấy đặt cạnh nơi vẽ tranh để làm động cơ thúc đẩy mình làm việc,” ông Huê kể. “Từ đó tới nay, tôi luôn cảm thấy gắn bó với mấy em này. Tội nghiệp quá.”

Được biết, trong lần triển lãm này, ông Huê Nguyễn sẽ có bia, rượu đỏ và thức ăn nhẹ chiêu đãi khách thưởng lãm.

Lần này, trong 50 họa phẩm, họa sĩ Huê Nguyễn có 14 sáng tác sơn dầu vừa hoàn tất.

Cố đô Huế của Huê Nguyễn. (Hình: Lê Nguyễn)

“Thư ký đời sống”

Tranh Huê Nguyễn bán rất chạy vì giá phải chăng và họa pháp rất bình dân, gần gũi với đời thường.

Ông nói: “Bụng tôi sao thì tôi vẽ vậy. Càng nhiều người hiểu tâm trạng tôi giãi bày trên khung vải, hiểu cái phần ‘hồn’ của bức tranh thì càng tốt.”

Ông Huê Nguyễn tự gọi mình là một “thư ký đời sống.”

Từ ngày vợ ông là bà Điệp còn sống, hai người đồng lòng một mực giúp trẻ em sứt môi.

Ông tâm sự: “Đây là chuyện khẩn cấp. Mình phải giúp các em trước khi nó phải chịu đựng những ánh mắt chế giễu phê bình của người đời. Tuổi trẻ không nên có mặc cảm hay tủi thân.”

Đó là lý do họa sĩ Huê Nguyễn không thể nào ngưng sáng tác.

“Mỗi lần triển lãm, tôi đều đau lòng nhớ bà xã thường cùng tôi chuẩn bị treo tranh, tiếp khách…,” ông kể. “Cái gì cũng cùng làm với nhau.”

Alaska qua mắt Huê Nguyễn. (Hình: Lê Nguyễn)

82 tuổi vẫn tiếp tục tục vẽ

Cố giấu xúc động, ông hồi tưởng: “Tôi nhớ hoài, sau một lần triển lãm, tôi nói giỡn với bà xã, ‘Em ơi, anh lấy chút tiền xài nha,’ thì bà nói, ‘Cần tiền thì em đưa anh $50 chứ không được đụng vô tiền của các em.’ Với tôi, đó là những kỷ niệm hết sức dễ thương.”

Thở dài, ông tiếp: “Phải nói, trong tất cả tranh tôi vẽ đều có hình bóng bà xã tôi. Ngày xưa Điệp ưa tế nhị phê bình tranh tôi. Bây giờ, bà ấy mất rồi nhưng tôi luôn nghĩ tới bà khi ngồi trước giá vẽ.”

Sau 15 lần triển lãm tranh là 15 lần ông dành tất cả tiền bán được tặng cho Smile Train để giúp trẻ em bị sứt môi rải rác trên các quốc gia nghèo trên thế giới có thể giải phẫu khuyết tật.

Một khách ngoại quốc mua tranh ông nói: “Quả thật, thoáng nhìn, tranh Huê Nguyễn rất mộc mạc, bình dị, kiểu thành thật, ‘thấy sao, vẽ vậy,’ nhưng nếu chịu khó tìm tòi, người ta có thể cảm nhận một tâm tư, một hơi thở đằng sau phong cảnh tưởng như chỉ đẹp mắt.”

Họa sĩ Huê Nguyễn thật thà nói: “Kỹ thuật của tôi giản dị lắm; tôi chụp hình rồi về nhà vẽ lại, nửa theo hình, nửa theo cảm xúc.”

Thành phố Oxnard thuộc Ventura County, California. (Hình: Lê Nguyễn)

Chính phần cảm xúc đã làm tranh ông có chiều sâu đặc biệt và đưa tranh ông từ hàng tranh minh họa lên sáng tác nghệ thuật.

Thở dài, ông tiếp: “Phải nói, trong tất cả tranh tôi, đều có hình bóng của Điệp.”

Ông tâm sự: “Tôi sợ lắm khi nghe tiếng còi xe lửa và tiếng chim hải âu. Ngày xưa hai vợ chồng tôi thường đi Amtrak và ra biển đi thơ thẩn. Đây là những âm thanh quen thuộc của vợ chồng tôi. Bây giờ, nghe lại một mình, buồn lắm.”

Họa sĩ Huê Nguyễn sinh năm 1941 tại Ba Tri, Bến Tre, Việt Nam. Ông từng là học sinh trường Mỹ Thuật Gia Định vào thập niên 1960. Ông rời Việt Nam ngày 29 Tháng Tư, 1975, cùng vợ là Điệp Nguyễn và con trai là Lê Nguyễn. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT