Sunday, December 17, 2023

Năm Mão chém gió chuyện mèo

Uy Long

WESTMINSTER, California (NV) – Trong 12 con giáp (Thập Nhị Địa Chi) xuất phát từ văn hóa Trung Quốc, chỉ có mèo là đánh dấu sự đóng góp văn hóa của dân tộc Việt.

“Đám Cưới Chuột,” tranh dân gian Đông Hồ. (Hình: Tài liệu)

Theo truyền thống Trung Quốc, con giáp (còn gọi là chi) thứ tư trong Thập Nhị Địa Chi là con thỏ, nhưng khi nhập tịch Việt Nam, con thỏ biến thành con mèo.

Mèo từ đâu đến?

Cho đến ngày nay, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Thái Lan… hoàn toàn không có sự cải biến như vậy. Ở các xứ này, bao năm qua, thỏ vẫn là thỏ.

Nguyên nhân sự xuất hiện của mèo vẫn là một điều bí ẩn.

Có người lý luận rằng đây là do thổ nhưỡng. Việt Nam là xứ thảo mộc, có môi trường đa dạng với các thảm thực vật đan xen chứ không phải thảo nguyên (là môi trường có nhiều đồng cỏ mềm mượt) như Trung Quốc khiến loài thỏ không sinh sôi nảy nở như mèo nên các cụ thay đổi cho thích hợp.

Thế nhưng giải thích này không có sức thuyết phục vì xứ ta đâu có rồng mà các cụ không hề chọn con khác như con giun (còn gọi là rồng đất) để thay thế.

Mà nếu nói rằng các cụ thích mèo vì nó gần gũi thì sao họ không đổi cọp, chuột và rắn thành ba con gì khác cho gần hơn?

Có người phân tích bằng cách phân loại động vật, cho rằng việc người Việt thay thỏ bằng mèo trong Thập Nhị Địa Chi là điều phù hợp. Thỏ là loài gặm nhấm như chuột, trong khi chuột đã có mặt trong Thập Nhị Địa Chi; thông thường, các con giáp nên là độc nhất và khác biệt với nhau.

Có người giải thích theo ngữ âm, cho rằng người Trung Quốc gọi thỏ là “mao” rồi khi qua Việt Nam, trong quá trình thông dịch và phiên âm đã xảy ra sự nhầm lẫn khiến các cụ nhà ta tưởng mèo là thỏ. Cũng không có sức thuyết phục vì ngày xưa các cụ rất trọng chữ nghĩa, đâu thể cẩu thả như vậy.

Ngoài ra, còn có cách giải thích dựa trên sự tượng trưng của từng địa chi.

Ở Trung Quốc, thỏ được cho là con vật tượng trưng cho những gì hạnh phúc nhất. Những người sinh năm thỏ được cho là sống tốt bụng, uy tín, trung thành dù có đôi chút bí ẩn trong khi tại Việt Nam, nhiều người cho mèo là “bạn đồng hành” sạch sẽ, thông minh và hòa đồng nên thỏ và mèo có ít nhiều tương đồng, mèo có thể thay thỏ.

Mọi lý luận đều vẫn là… lý lẽ.

Nói gì thì nói, mèo gần gũi và gắn bó với đời sống chúng ta.

Mèo lờ đờ, luôn luôn uể oải, có vẻ như biếng nhác, lúc nào cũng thư giãn, không thích làm việc quá sức. Thế nhưng mỗi khi có hơi hám chuột chung quanh, mèo bừng tỉnh cặp mắt vốn hay lim dim, buồn ngủ, trừng trừng sáng quắc, rùng mình, sẵn sàng phóng vọt vồ chộp con vật tinh quái luôn vụng trộm quấy rối chủ nhà. Mèo biết chuột là một loài tinh quái, giỏi luồn lách nên phải thẳng tay trừng trị đích đáng.

Thế lưỡng cực của mèo

Năm Mão được kỳ vọng mang lại sự hòa hợp.

Hòa hợp? Đối xứng thì đúng hơn.

Mèo, theo bản tính, vốn đối xứng với nhiều địa chi nhất.

Mèo giúp tạo ra thế đối xứng với chó, với chuột và với gà. Theo thuyết âm dương, điều này thể hiện sự cân bằng, giúp giải quyết các mâu thuẫn. Vì vậy, dùng mèo thay thỏ là kết quả của một suy nghĩ thâm sâu mà cha ông để lại cho chúng ta.

Mèo không để chuột tự do ăn vụng dưới bếp, không để chó “làm trời” trong nhà và cũng không để gà đào bới ngoài sân. Xem ra, vì có khả năng chạy nhảy trên cao dưới thấp, chỉ mình mèo có khả năng bảo vệ thế “check and balance” (kiểm soát và cân bằng) mà các nhà bảo vệ dân chủ Hoa Kỳ luôn luôn cổ xúy.

“Em Bé Ôm Mèo,” tranh dân gian Đông Hồ. (Hình: Tài liệu)

Mèo và chuột

Trong ba địa chi đối nghịch với mèo, chuột bị nặng nhất.

Mèo là bạn của nhà nông từ trong bếp đến cây cao rồi còn ra đến đồng lúa. Ở đâu có mèo là ở đó, chuột không dám hó hé.

Tội mèo lắm. Mèo tuy được nhiều người cưng chìu, trọng đãi nhưng cũng bị một số người, có thể vì mê ăn chuột đồng bị giành ăn nên đặt điều chế giễu.

Bài đồng dao ngắn về quan hệ giữa mèo và chuột cho thấy điều này: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.”

Rõ ràng, mèo bị đề cập một cách xách mé rồi lại bị chơi khăm. Mèo vồ chuột vì bẩm sinh mèo phải vậy, mèo không có sự lựa chọn ở đây. Vậy mà những người mê thịt chuột đâm ra thù hận, có những ngôn ngữ như chửi cha mèo, rồi biết mèo rất kỵ mặn nên mua mắm mua muối cho mèo nữa. Nếu không phải để chống đối mèo thì để làm gì?

Thử nghĩ đi, xứ ta có trên 80% dân số là nông dân và chuột đồng là loài chuyên ăn thóc lúa, phá hại thu hoạch mà lại được gọi là “chú” trong lúc mèo ngày đêm bảo vệ mùa màng thì bị gọi là “con” một cách rẻ rúng.

Mèo trong đời sống dân gian

Chế nhạo mèo đến đâu đi nữa thì mèo vẫn gắn liền với đời sống dân gian và được nhắc đến nhiều trong ca dao tục ngữ.

“Mèo già hóa cáo”: Ám chỉ sự tinh ranh, lọc lõi của người lớn tuổi.

“Mèo con bắt chuột cống”: Ca tụng ý chí gan dạ của người dũng cảm.

“Mèo nhỏ bắt chuột con”: Khuyên người nên tự lượng sức mình.

“Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”: Nhận định sự khác nhau trong cách ăn uống giữa hai giới.

“Có ăn nhạt mới thương tới mèo”: Tương đương với câu “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.”

“Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”: Ý nói chưa đến hồi kết thúc, khó luận chuyện hơn thua.

“Chó treo, mèo đậy” và “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”: Khuyên phải ứng xử tùy chuyện mới có hiệu quả.

“Chửi chó mắng mèo”: Ý nói hành động bóng gió của người không dám trực tiếp “chạm trán.”

“Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”: Nên giao việc hợp khả năng.

“Mèo khen mèo dài đuôi”: Chê người tự khen mình.

“Mèo khóc chuột”: Phê bình thái độ giả tạo.

“Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”: Chế giễu những người chỉ, ăn nhiều, giỏi nói nhưng khi làm việc thì không đâu vào đâu.

“Mèo mù vớ phải cá rán”: Châm biếm những người gặp may bất ngờ, đạt được cái hoàn toàn ngoài khả năng.

“Như mèo thấy mỡ”: Diễn tả sự mừng rỡ khi gặp điều đúng ý.

“Mỡ đến miệng mèo còn không hưởng”: Xúi người ta đừng vờ vĩnh hay ngại ngùng nữa.

“Giấu như mèo giấu cứt”: Chê người có của cải hay kiến thức mà không chia sẻ rộng rãi.

“Im ỉm như mèo ăn vụng”: Mô tả người làm sai nên lấm lét.

“Rửa mặt như mèo”: Chê tính cẩu thả, làm việc không đến nơi đến chốn.

“Mèo mả gà đồng”: Nói về hạng người vô loài, lang chạ lung tung.

“Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”: Quan niệm dị đoan thời xưa.

“Như chó với mèo”: Chỉ sự xung đột ra mặt, không hòa thuận.

“Mèo lại hoàn mèo”: Không ai đổi được bản chất.

“Không chó bắt mèo ăn cứt”: Ý chê người không tính xa nên giao việc không thích hợp.

“Con mèo, con méo, con meo/ Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà” như câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp.”

Tranh “Đám Cưới Chuột” của dòng tranh Hàng Trống. (Hình: Tài liệu)

Mèo trong tranh Đông Hồ

Nói chuyện mèo chuột mà không nhắc đến tranh “Đám Cưới Chuột” của làng tranh Đông Hồ là một thiếu sót đáng trách.

Bức tranh này được in trên giấy điệp (còn gọi là giấy dó).

Ước tính 500 năm tuổi, bức tranh “Đám Cưới Chuột” mang nội dung phê phán sự hủ hóa của chế độ phong kiến thời xa xưa.

Mèo trong tranh tượng trưng cho tầng lớp thống trị, bóc lột, trong lúc những chú chuột là ẩn dụ cho người nông dân nghèo.

Dù không chú thích, nhưng ai cũng thấy cũng thấy được ẩn dụ của người nghệ nhân dân gian.

Chuột, muốn sống yên ổn, thì phải “biết điều” với mèo thuộc tầng lớp cai trị.

Bức tranh chia thành hai phần với 12 con chuột và một mèo. Tầng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo. Mèo được vẽ ở góc phải, to béo, oai vệ đang đưa tay nhận lễ vật là một con chim và một con cá.

Muốn hay không muốn, việc mèo có mặt trong Thập Nhị Địa Chi là một lựa chọn văn hóa và văn hóa Việt luôn luôn có nét đặc thù. Chính vì những cải biên nho nhỏ như vậy mà sau bao lần bị Bắc thuộc suốt cả ngàn năm mà dân tộc Việt vẫn không bị Trung Quốc đồng hóa.

Ngày nào còn văn hóa Việt Nam, ngày ấy còn đất nước Việt Nam.

Trong bức tranh Đông Hồ, mèo là biểu tượng của cấp lãnh đạo, tham quan ô lại đã đè đầu cưỡi cổ con dân tự ngàn xưa; cũng có thể là bè lũ vua quan Trung Quốc hung nô bắt nước ta phải triều cống hằng năm.

Không biết cảnh này còn tồn tại trong nước không? [qd]

MỚI CẬP NHẬT