Saturday, December 23, 2023

Giờ thì ba má đã bên nhau

Dũng Nguyễn

Má tôi mất chỉ vài tháng sau khi ba đi học tập về. Thực ra trước đó, ba má cũng không được ở cùng nhau trong một thời gian rất dài. Ba đi học bốn năm bên Mỹ, về lại Việt Nam chưa đầy năm lại gặp cuộc bể dâu 75. Và lại đi “học tập cải tạo” sáu năm. Hai lần đi học sao khác nhau trời vực!

Má mất khi chỉ mới 44 tuổi, nhưng ba má may mắn đã còn có được với nhau chín đứa con. Lúc ấy, ba mới tuổi 50. Ba bắt đầu những chuỗi ngày mang tang cho má. Sau khi đi “cải tạo” về ít lâu, ba được cho đi dạy học ở “Hội Trí Thức Yêu Nước.” Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cà tàng với chiếc áo sơ mi bạc thếch, ba luôn mang một miếng vải đen nhỏ xíu đậm màu gắn ở viền áo giữa ngực.

Rồi ngày qua đi, qua đi…

Giờ thì ba má đã bên nhau. (Hình: Facebook Dũng Nguyễn)

Ba mang tang cho má chẳng phải vì lời dạy của Khổng Tử hay giáo lý nào, nên chẳng hề đếm thời gian chịu tang.

Anh em mình thấy có những cô, dì hình như muốn làm bạn với ba, lui tới và tỏ ra ân cần. Ba liền rất vui vẻ coi họ như là … bạn! Tụi mình trong nhà cứ hay nói với nhau, ba già rồi đi bước nữa làm chi. Đứa nào cũng có vẻ khó chịu khi thấy những biểu hiện tình cảm chung quanh ba. Giờ, anh em mình đã lớn hơn cái tuổi của ba lúc đó, mới nhận ra tụi mình đã là một bầy con ích kỷ!

Những ngày khi các người tù cải tạo được nạp đơn đi Mỹ, nhiều người khuyên ba nên tái hôn, trên giấy tờ cũng được, nhất là với các gia đình quen biết mà đã mồ côi cha, để cùng giúp các con của họ được đi Mỹ cho hợp pháp. Ba không nói gì, chỉ tiếp tục lịch sự tiếp khách, mang những chiếc áo sơ mi mới tinh tươm tất nhưng vẫn với miếng vải đen nhỏ đã bạc màu gắn nơi viền áo ngang ngực.

Ba cùng các con chưa lập gia đình qua Mỹ. Ba xin học bổng để ngày ngày đến trường college, vừa làm học trò lại, vừa giúp kèm cho các bạn nhỏ chung lớp, lấy chuyện đi học làm nguồn vui. Vài năm sau, hết học, ba bắt đầu những chuyến đi du lịch xa gần, khắp “năm châu bốn bể.” Rồi sau đó lại có thêm niềm vui khi các con cháu bên nhà nay lại đoàn tụ với các con đã qua trước.

Rồi ngày qua đi, qua đi…

Cuối cùng, ba vẫn một mình lủi thủi chơi với các con, các cháu khi không đi du lịch. Ba mươi năm sau ngày má mất, trí nhớ của ba cũng bắt đầu kém dần. Nhưng lạ cái là bà con ai cũng khen ba vẫn còn nhớ giỏi lắm. Sinh nhật và các kỷ niệm của các cháu ông đều nhớ, thậm chí tên tuổi của các cháu họ hàng xa ông vẫn rành rọt nhắc đến.

Nhưng một hôm, tôi khám phá một điều bí mật về ba: cứ ai đến chơi, ông thường xin lỗi để vào phòng vệ sinh, sau một lát mới ra chào và thăm hỏi khách. Lúc đầu, tưởng vì bệnh tiểu đường nên ba mới có thói quen đó. Nhưng một ngày kia, tình cờ trong một dịp khách đến chơi, tôi thấy ba trước khi vào phòng vệ sinh, quay vào phòng ngủ lấy theo một cuốn sổ nhỏ. Hóa ra, ba đã “ăn gian” trong một thời gian khá dài: trong cuốn sổ nhỏ đó, ba ghi chép các chi tiết cần nhớ của con cháu, của từng gia đình và gia cảnh.

Ba vào phòng vệ sinh để “ôn bài” trước khi bước ra chào hỏi khách, với đầy đủ thông tin. Chẳng ai nghi ngờ để biết ba đã mất dần trí nhớ. Ba luôn tự mình đi bác sĩ và specialists nên chúng tôi đã không biết rõ về bệnh tình của ba.

Một ngày Chủ Nhật kia, sau khi đi lễ, ba quên đường về, chạy lạc xuống Downtown, va quẹt vào ít nhất bốn chiếc xe của người ta. Cảnh sát chở ba về lại nhà… và đó là lần cuối cùng ba lái xe. Cả nhà quyết định tịch thu bằng lái của ba, rồi nói với ba là cảnh sát đã làm vậy vì sự an toàn cho thành phố (mặc dù cảnh sát không làm như vậy.) Trí nhớ của ba suy sụp hẳn sau đó, không còn đủ để có thể “ăn gian” trắng trợn được nữa, không còn biết cách tỏ bày sự ân cần với người khác nữa.

Hai năm sau, ba về với má, sau 33 năm ở một mình không có má.

Thực ra, hai người chưa gần nhau ngay được. Mộ phần của má khi má mất là ở trong một nghĩa địa gần nhà trong thành phố. Sau đó, vì nghĩa địa ở Sài Gòn bị giải tỏa, tụi mình xin hỏa táng má rồi đem má để trong nhà ở Việt Nam. Sau khi ba mất mới mang má qua Mỹ, và xin được giấy phép cho hai người được nằm chung một nấm mồ với nhau.

Giờ thì ba má đã luôn bên nhau.

Bài viết hoặc thư cho trang Tưởng Nhớ xin gửi về: [email protected]

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Huỳnh Văn Tuất

Bác Sĩ Phan An

Anh Trần Hỉ

Ông Nguyễn Quốc Chân

Bác Sĩ Phan An