Monday, December 18, 2023

Tiếng đàn Harp thổn thức

Nguyễn Thanh Hương

Anh yêu nhạc, thả hồn theo từng nốt nhạc, thích thú lắng nghe  những thanh âm hoà quyện phối trí tạo nên một bản nhạc tuyệt tác. Anh trân trọng từng lời, từng câu sâu lắng trong một nhạc phẩm, dù là dòng nhạc thính phòng kén chọn người nghe, hay những lời bình dị chân chất của những bản nhạc vàng.

Anh lắng nghe từng lời tình tự của ca sĩ diễn đạt nội dung của bài hát, đôi khi chỉ là những lời mộc mạc, được người nhạc sĩ tài hoa diễn đạt thật tài tình, giải bày tâm sự, như đồng hành cùng mình trong từng hoàn cảnh.

Anh thưởng thức nét độc đáo của bản nhạc theo cách rất riêng của mình, không gò ép mình theo xu hướng của một phong trào.

Tiếng Đàn Hạc như một lời biệt ly êm ái cho kẻ ở người đi! (Minh hoạ: Unsplash)

Niềm đam mê âm nhạc luôn đeo đuổi theo anh. Lắng nghe dòng nhạc cổ điển của Beethoven, Bach, Mozart, Chopin… từ những chiếc đĩa hát còn sót lại sau năm 75. Sau những ngày tháng làm việc vất vả, anh tự thưởng cho mình một dàn âm thanh hoàn hảo hơn, để có thể lắng nghe phối âm, hoà âm kỳ diệu của những nhạc sĩ tài ba.

Biết ba nó thích nghe nhạc, thỉnh thoảng cô con gái gởi những tấm vé xem buổi hoà nhạc Classic cho ba mẹ nó đi xem. Thời Covid mọi sinh hoạt đành khép lại vì giãn cách xã hội, và cũng là lúc căn bệnh nghiệt ngã đã vận vào anh. Hầu như không thể có những buổi trình diễn trên sân khấu. May mắn vẫn còn những người đam mê âm nhạc, họ dàn dựng sân khấu lưu động trên những chiếc xe tải đến phục vụ tận nhà.

Anh không còn đủ sức rời khỏi căn phòng, chiếc đàn Harp (còn gọi là đàn Hạc) kềnh càng được mang đến tận phòng ngủ, trong không gian lắng đọng nỗi niềm tiếc nuối, xẻ chia đồng điệu, tình cảm gắn bó của vợ chồng, cha mẹ & con cái, cả gia đình quây quần thưởng thức đêm nghe nhạc cuối cùng của anh.

Niềm đam mê âm nhạc vẫn đeo đuổi theo anh đến giờ phút cuối cùng. Mặc dù cơn đau hành hạ, nhưng trong suốt thời gian lắng nghe tiếng đàn Harp du dương, réo rắc những âm hưởng yêu thích của Beethoven, Chopin – nhà thơ của âm nhạc, anh thật bình an, dường như nỗi đau đang được xoa dịu.

Người nhạc sĩ luôn hướng mắt về anh, hoà quyện cùng tiếng đàn như sự đồng điệu cảm thông. Bà nói “Không có nhiều bản nhạc Chopin soạn cho đàn Harp,” nên bà chọn bản nhạc cuối cùng của Chopin Etude Op 25 No 1 như một lời từ biệt cho người sắp đi xa. Anh thật bình an, vỗ tay khen ngợi, cám ơn bà nghệ sĩ đã tận lòng mang những âm thanh sống động, réo rắc, đưa trí tưởng tượng của anh bay xa, những tháng ngày đầm ấm của mái gia đinh, cùng nâng bước nhau qua những tháng ngày thăng trầm, âm nhạc như ước mơ bay bổng.

Ý định của các con là muốn tổ chức buổi hoà nhạc tại gia, dưới những ngọn nến lung linh dịp Anniversary lần thứ 50 của ba mẹ chúng.

Anh hỏi: “Khi nào?”. Tôi nói: “Mười năm nữa.” Những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt anh, “anh xin lỗi”.

Anh đã có thói quen chăm sóc cho em như lời Kinh Thánh dạy: “Hỡi người làm chồng hãy yêu thương vợ mình như chính thân mình” không phải bằng lời nói, mà từng cử chỉ ân cần, rót cho em ly nước sau mỗi bữa ăn, sửa lại chiếc gối cho em được an giấc, những chuyến đi chơi xa, anh đã chuẩn bị thật chu đáo những đồ dùng cần thiết với nụ cười tự hào Hướng đạo là luôn “Sắp sẵn Sẵn sàng”. Anh luôn thu xếp mọi chuyện, từ việc lớn đến việc nhỏ, để em không phải quá lo toan.

Nhưng cuối cùng thì anh đành buông tay với một lời xin lỗi…

Anh đã làm trọn vai trò của một người chồng người cha. Anh yên tâm, em và gia đình mình sẽ sống thật tốt vì anh vẫn luôn tồn tại sống động, như những âm thanh réo rắc của dòng nhạc cổ điển mà anh yêu thích, đã theo đuổi anh trong những bước thăng trầm nghiệt ngã, đã xoa dịu nỗi đau đớn hành hạ của cơn bệnh trầm kha.

Tiếng Đàn Hạc như một lời biệt ly êm ái cho kẻ ở người đi!

Thư và bài của trang Tưởng Nhớ, xin gửi về: [email protected]

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Huỳnh Văn Tuất

Bác Sĩ Phan An

Anh Trần Hỉ

Ông Nguyễn Quốc Chân

Bác Sĩ Phan An