Sunday, December 17, 2023

Những phim nước ngoài hay nhưng ít người biết đến

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Trong những năm gần đây, ngoài các phim nước ngoài gặt hái được nhiều thành công ở Hollywood, thì điện ảnh quốc tế còn có rất nhiều phim hay mà người yêu thích phim ảnh ít được biết đến vì thiếu thông tin.

Một cảnh trong “Central Station” của Brazil. (Hình: Facebook Central Station)

Những bộ phim dưới đây sẽ giúp khán giả biết điện ảnh của nhiều quốc gia khác có những nét đặc trưng như thế nào và thể hiện văn hóa của các nước đó ra sao.

Central Station

Một quốc gia ít ai nhắc đến khi nói về phim là Brazil, nhưng nước này có phim rất đáng xem là “Central Station” ông chiếu năm 1998, có nội dung và diễn xuất chắc chắn làm khán giả rung động.

Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Walter Salles, phim có vai chính là bà Dora, do minh tinh Fernanda Montenegro đóng. Bà là một cựu giáo viên kiếm sống bằng cách viết thư gửi đến gia đình cho những người không biết đọc viết ở Rio de Janeiro, nhưng lấy tiền của họ mà không gửi những lá thư đó.

Đến một hôm, bà gặp một cậu bé 9 tuổi có tên Josue, do diễn viên trẻ Vinicius de Oliveira đóng. Cậu bé đó là con trai của một phụ nữ từng nhờ bà Dora viết thư, bị bỏ rơi vì người mẹ qua đời trong một tai nạn giao thông. Vì hoàn cảnh đưa đẩy, bà phải cùng Josue đi đến nhiều nơi ở Brazil để tìm cha thất lạc lâu năm của cậu bé đó.

Hollywood có nhiều phim nói về những nhân vật gắn bó với nhau trong một chuyến đi dài, và “Central Station” cũng thuộc thể thoại đó, nhưng sử dụng bối cảnh Brazil để tạo ra một phim vô cùng ấm áp, có thể vừa làm khán giả vui cười và rơi nước mắt khi xem.

Không chỉ vậy, diễn xuất của bà Fernanda Montenegro rất xuất sắc, rất xứng đáng với danh hiệu “diễn viên hay nhất mọi thời đại của Brazil,” càng làm khán giả phải tìm xem “Central Station.”

Một cảnh trong “Mother” của Nam Hàn. (Hình: Facebook Mother)

Mother

Ai cũng biết đến đạo diễn lừng danh người Nam Hàn là ông Bong Joon-ho qua tuyệt phẩm “Parasite” chiếu năm 2019. Tuy vậy, ông có một tác phẩm khác tuy rất hay nhưng ít người biết đến hơn là “Mother” công chiếu năm 2009.

Phim nói về một góa phụ do minh tinh Kim Hye-ja đóng, sống với con trai bị thiểu năng trí tuệ tại một thị trấn nhỏ ở Nam Hàn. Bà phải kiếm sống để nuôi con trai bằng cách bán thảo dược.

Cuộc sống của hai mẹ con hoàn toàn thay đổi khi cảnh sát phát hiện thi thể của một cô gái, và cho rằng con trai của góa phụ kia là nghi can vụ án này sau một cuộc điều tra cẩu thả. Cảm thấy bị hệ thống công lý phản bội, bà quyết định tự điều tra vụ án để bảo vệ con trai, bất chấp luật pháp nghĩ gì về hành động của mình.

Điện ảnh Nam Hàn có nhiều phim tâm lý nói về những chủ đề u tối và bản chất của con người rất hay, và “Mother” là một trong những phim đó. Tác phẩm này khéo léo cân bằng giữa sự u tối của phim án mạng với những giây phút đầy tình cảm gia đình ấm áp và vui tươi.

Vì vậy, “Mother” luôn được xem là một trong những phim để đời của đạo diễn Bong Joon-ho, tuy không nổi tiếng như nhiều phim khác do ông đứng sau ống kính.

Mads Mikkelsen đóng vai Tonny trong phim Đan Mạch “Pusher 2.” (Hình: Facebook Pusher)

Pusher

Đan Mạch là nước Âu Châu sản xuất nhiều phim hay, nhưng có một số phim ít người biết đến, trong đó có dòng phim “Pusher” chiếu từ năm 1996 đến 2005.

Đây là dòng phim đưa đẩy sự nghiệp của đạo diễn Nicolas Winding Refn và tài tử Mads Mikkelsen, nói về thế giới tội phạm ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.

Dòng phim có ba phần, nói về ba nhân xuất hiện trong phần đầu là Frank, một người bán ma túy; Tonny, một người bạn bán ma túy của ông Frank; Milo, một trùm ma túy.

Phần một nói về câu chuyện của ông Frank do tài tử Kim Bodnia đóng. Ông kiếm được khá nhiều tiền nhờ bán ma túy với người bạn Tonny do Mads Mikkelsen đóng, nhưng muốn kiếm được nhiều tiền hơn và vay mượn ma túy của ông trùm Milo rồi hứa sẽ trả lại bằng tiền sau khi bán. Tuy nhiên, ông không bán được số ma túy đó vì cảnh sát chặn lại và phải tìm mọi cách trả lại tiền cho ông trùm Milo.

Phần hai nói về Tonny, ra tù sau 13 tháng và biết mình có con rơi, và còn nợ một trùm băng đảng khét tiếng ở Copenhagen rất nhiều tiền, và ông trùm đó là cha ruột của mình.

Phần ba nói về câu chuyện của Milo, đang cai nghiện nhưng gặp nhiều vấn đề trong việc buôn bán ma túy, khiến ông bắt đầu sử dụng ma túy lại trong ngày sinh nhật của con gái, sau đó phải đối đầu với băng đảng người Albania.

Dòng phim “Pusher” đưa khán giả vào thế giới tội phạm đầy nguy hiểm và bạo lực ở Copenhagen, được quay theo kiểu máy quay phim cầm tay nhỏ để tạo thêm sự u tối trong thế giới mà đạo diễn Nicolas Winding Refn muốn đưa khán giả vào.

Phần hai được coi là phần hay nhất, với diễn xuất tuyệt vời của tài tử Mads Mikkelsen trong vai Tonny.

Cillian Murphy (trái) trong “The Wind That Shakes the Barley” của Ireland. (Hình: Facebook The Wind That Shakes the Barley)

The Wind That Shakes the Barley

Trong năm 2023, khán giả Mỹ không hề lạ với tên tuổi của tài tử Cillian Murphy, người Ireland, qua phim mới nhất của đạo diễn Christopher Nolan là “Oppenheimer” và trước đó là phim truyền hình “Peaky Blinders.” Tuy vậy, ông từng xuất hiện trong phim rất hay mà ít người biết là “The Wind That Shakes the Barley” của Ireland, chiếu vào năm 2006.

Phim có bối cảnh vào thời chiến tranh Ireland trong thập niên 1920, có nhân vật chính là Damien do tài tử Murphy đóng. Anh là một sinh viên y khoa người Ireland, chuẩn bị đến London để hoàn tất khóa thực tập, nhưng chứng kiến nhiều cảnh tượng hãi hùng của chiến tranh.

Điều đó khiến anh muốn gia nhập Quân Đội Cộng Hòa Ireland với anh trai mình, nhưng sau đó phải đối đầu với anh trai sau khi nhiều sự kiện chính trị xảy ra.

Sự dẫn dắt của đạo diễn Ken Loach đưa khán giả vào một câu chuyện đầy bạo lực, đau thương và nói về tình cảm giữa hai anh em, thêm vào đó là diễn xuất đầy cảm động của tài tử Cillian Murphy.

Một cảnh trong “Throne of Blood” của đạo diễn Akira Kurosawa. (Hình: Facebook Throne of Blood)

Throne of Blood

Đạo diễn người Nhật lừng danh Akira Kurosawa là một tên tuổi mà ai cũng biết khi nhắc đến điện ảnh. Các tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng cho nhiều tuyệt phẩm của Hollywood như “Star Wars.” Tuy có nhiều phim để đời, nhưng một phim của ông ít khán giả biết đến là “Throne of Blood” công chiếu năm 1957.

Phim có bối cảnh thời phong kiến ở Nhật Bản, nói về câu chuyện của hai kiếm sĩ samurai là Washizu và Miki. Khi đang trên đường trở về lâu đài của lãnh chúa, họ bị một hồn ma chặn đường và tiên đoán tương lai của họ.

Khi một phần trong lời tiên đoán của hồn ma trở thành sự thật, bà Asaji, người vợ đầy toan tính của ông Washizu, xúi giục chồng mình biến lời tiên đoán của hồn ma thành sự thật nhanh hơn bằng cách giết lãnh chúa và chiếm vị trí đó.

“Throne of Blood” là phiên bản Nhật của vở kịch “Macbeth” của Shakespeare, được đạo diễn Akira Kurosawa tài tình đưa vào bối cảnh thời phong kiến của Nhật Bản. Phim được quay trắng đen, có những góc quay rất xuất sắc, và còn có sự xuất hiện của diễn viên lừng danh Toshiro Mifune trong vai chính Washizu.

Những yếu tố đó giúp “Throne of Blood” được coi là một trong những phim xuất sắc nhất của Akira Kurosawa tuy không có nhiều người biết như những phim khác. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT