Sunday, December 17, 2023

Trương Nghệ Mưu cả đời đi tìm bản chất của điện ảnh

Kalynh Ngô/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Vẫn là vẻ ngoài rắn rỏi, áo khoác da, áo sơ-mi đen, gương mặt góc cạnh, quai hàm vuông đầy cương nghị, tượng đài điện ảnh, đạo diễn hàng đầu Trung Quốc Trương Nghệ Mưu xuất hiện tại Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo, Nhật, hôm 23 Tháng Mười với nụ cười mãn nguyện và những cuộc trò chuyện thân tình.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu tại đêm khai mạc Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo (TIFF) lần thứ 36 hôm 23 Tháng Mười tại Tokyo, Nhật. (Hình: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

Hôm đó, ông vinh dự nhận giải thưởng thành tựu trọn đời của Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo, vinh danh “sự nghiệp phi thường và những đóng góp lâu dài ông dành cho điện ảnh,” theo tường trình từ The Hollywood Reporter.

Ở tuổi 73, biểu tượng của điện ảnh Trung Quốc, nhà quay phim, đạo diễn Trương Nghệ Mưu một lần nữa chứng minh khả năng làm việc và sức sáng tạo không giới hạn của ông. Bộ phim cổ trang “Full River Red” (Mãn Giang Hồng) được chọn để trình chiếu tại Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo một ngày sau khi ông nhận giải thành tựu trọn đời. Đây là sản phẩm nghệ thuật mới nhất của ông, cũng là phim điện ảnh lớn nhất Trung Quốc năm 2023 – một tác phẩm với bốn thế hệ điện ảnh Trung Quốc trong một khung hình: Trương Nghệ Mưu sinh năm 1950, Trương Dịch sinh năm 1978, Trần Vĩnh Sinh sinh năm 1998, Dịch Dương Thiên Tỉ sinh năm 2000 và Vương Giai Di sinh năm 2002.

Dĩ nhiên, khi nhắc đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu, không phải chỉ nói đến một “Mãn Giang Hồng,” mà là cả một cuộc đời nghệ thuật với trên dưới 40 tác phẩm mang giá trị kinh điển của nghệ thuật thứ bảy. Vị trí ấn tượng của Trương Nghệ Mưu trong làng điện ảnh thế giới đến từ những tác phẩm “bom tấn” như “Red Sorghum” (Cao Lương Đỏ), “Ju Duo” (Cúc Đậu), “Hero” (Anh Hùng), “Raise The Red Lantern” (Đèn Lồng Đỏ Treo Cao), “The Story of Qiu Ju” (Thu Cúc Đi Kiện), “House of Flying Daggers” (Thập Diện Mai Phục)…

Phim của Trương Nghệ Mưu là một xã hội Trung Quốc thu nhỏ, gói gọn khúc chiết trong một khung hình. Ở đó, từ bối cảnh lịch sử cho đến đời sống con người hiển hiện qua những phác họa tượng hình, tượng thanh. Phim điện ảnh của ông thường là những ẩn ý về chính trị, xã hội, là tiếng nói cho những áp bức tình dục mà phụ nữ Trung Quốc trong xã hội phong kiến phải gánh chịu. Do đó, phim của ông không tránh khỏi sự kiểm duyệt gắt gao.

Từ “Cao Lương Đỏ” nổi tiếng thế giới…

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu sinh năm 1950 ở Tân An, Trung Quốc. Mặc kệ độ tuổi khá lớn, ông vẫn quyết tâm thi vào Học Viện Điện Ảnh Bắc Kinh (Beijing Film Academy) và tốt nghiệp chuyên ngành quay phim điện ảnh năm 1982. Trong năm năm ngắn ngủi làm nhà quay phim và cả tham gia diễn xuất, ông đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo với vai diễn trong phim “Old Well” năm 1986.

Chỉ một năm sau, năm 1987, Trương Nghệ Mưu đĩnh đạc bước vào thế giới điện ảnh thực thụ với vai trò đạo diễn bộ phim đầu tay “Cao Lương Đỏ.” Phim đoạt giải Golden Bear tại Đại Hội Phim Berlin, Đức, và là bộ phim Hoa Ngữ đầu tiên trong lịch sử giành giải thưởng danh giá này. Đây cũng là phim điện ảnh đầu tiên của ngôi sao Củng Lợi. Từ đó, cái tên “Trương Nghệ Mưu-Củng Lợi” đã trở thành một tên riêng khi nhắc đến tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong một thời gian dài.

Với “Cao Lương Đỏ,” chuyển thể từ tiểu thuyết của Mạc Ngôn, Trương Nghệ Mưu đã thực hiện đúng lời hứa của “Thế hệ thứ năm” trong những ngày ở Học Viện Điện Ảnh Bắc Kinh. Ông khắc họa thân phận khốn cùng của người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc thập niên 1920, 1930 của thế kỷ 20 ở miền quê Cao Mật, tỉnh Sơn Đông.

Dù bị cấm ở Trung Quốc nhưng bộ phim vẫn thành công trên trường quốc tế và trở thành bộ phim Trung Quốc đầu tiên được đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Một số phim tiếp theo của đạo diễn Trương cũng vấp phải sự kiểm duyệt của Trung Quốc, như “Đèn Lồng Đỏ Treo Cao.” Bộ phim tập trung vào cuộc cạnh tranh căng thẳng, quyết liệt, nhiều thủ đoạn và cuối cùng kết thúc bằng cái chết giữa bốn người vợ.

Trương Nghệ Mưu (trái) và Củng Lợi. (Hình: Alberto Pizzoli/AFP via Getty Images)

…đến đỉnh cao của phong cách làm phim

Tùy theo cảm nhận khác nhau của mỗi người để có sự hiểu về cách làm phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng như phát hiện ra ẩn ý của ông. Với người viết, trong phần lớn tác phẩm điện ảnh của ông, ông chính là “người thứ ba vắng mặt” kể lại toàn bộ bối cảnh của một giai đoạn nào đó trong xã hội.

Chẳng hạn, “Cao Lương Đỏ” được kể lại theo góc nhìn từ người cháu trai của hai nhân vật chính trong phim. Tuy nhiên, khán giả không thấy người kể chuyện xuất hiện trong phim.

Trong “Đèn Lồng Đỏ Treo Cao” ra mắt năm 1991, ông tái hiện cả một xã hội phong kiến năm 1920 ở Trung Quốc vỏn vẹn trong căn phòng u ám của cô vợ thứ tư Tùng Liên. Kết thúc phim mở, tứ phu nhân Tùng Liên điên loạn, như ẩn ý về tương lai mờ mịt, hoảng loạn của người dân Trung Quốc bấy giờ. Phim đoạt giải Sư Tử Bạc tại Đại Hội Phim Venezia, giải phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất của Viện Hàn Lâm Điện Ảnh Anh và nhiều giải thưởng quốc tế khác. Tuy nhiên, đây là cảm nhận của khán giả. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu chưa bao giờ khẳng định tác phẩm của ông nhằm phê phán xã hội hiện thực của Trung Quốc.

Cá nhân Trương Nghệ Mưu từng là một nhà quay phim chuyên nghiệp trước khi ông bước sang vai trò đạo diễn. Điều đó dễ dàng có thể hiểu khi hình ảnh, màu sắc trong phim của ông cũng là một thông điệp chuyển tải rất mạnh. Những cánh đồng cao lương đỏ rực trong “Cao Lương Đỏ,” màu đỏ bàng bạc, rờn rợn trong những căn phòng của “Đèn Lồng Đỏ Treo Cao,” màu xanh pha trộn màu xám u uẩn trong “Về Nhà”… tất cả đều dễ dàng mở ra cho khán giả cánh cổng bước vào đời sống hiện thực trong phim.

Cho đến khi ông chuyển sang thể loại phim cổ trang, võ thuật kiếm hiệp, thì ông lại càng khẳng định thêm tài năng của mình trong nghệ thuật điện ảnh. Bộ phim “Anh Hùng” năm 2002 và “Thập Diện Mai Phục” năm 2004 gây tiếng vang lớn trong giới điện ảnh. Sau đó là những tác phẩm “bom tấn” khác như “Hoàng Kim Giáp,” “Vạn Lý Trường Thành”… Ông có vẻ đã mạnh dạn tạo ra những cảnh quay sắc dục, góc máy đẹp và tinh tế, sắc sảo, cho thấy một mặt khác trong đời sống con người, dù đó là danh tướng hay hôn quân.

“Cả đời tôi đi tìm bản chất của điện ảnh”

Tại Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo, biểu tượng điện ảnh Trung Quốc đã chia sẻ nhiều điều hữu ích hơn là kể về những thành tựu trong sự nghiệp làm nghệ thuật của ông.

Khi biết “Mãn Giang Hồng” sẽ trình chiếu trong đêm Gala ở Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo 2023, từ Bắc Kinh, Trương Nghệ Mưu gửi lá thư cảm tạ: “Có một điều tôi vẫn nhớ: Khi ngài Kurosawa Akira nhận được giải thưởng danh dự của Viện Hàn Lâm vào năm 1990, tôi vẫn là một nhà làm phim non trẻ. Câu nói của ông ấy trong bài phát biểu, ‘Tôi vẫn chưa nắm bắt được bản chất của điện ảnh’ vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến Đại Hội Phim Quốc Tế Tokyo vì đã trao cho tôi giải thưởng này. Tôi cũng muốn cám ơn tất cả mọi người vì sự khuyến khích và hỗ trợ của họ. Coi đây là điểm khởi đầu, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm hiểu bản chất của điện ảnh và làm ra những bộ phim hay.”

Ông biết không thể có một kịch bản hoàn hảo, và đó là điều ông thường mơ mộng nhưng thực tế luôn cản trở ông. Ông nói: “Nó chưa bao giờ xảy ra. Một khi kịch bản được viết xuống, quá trình đọc lại nội dung diễn ra liên tục. Có thể mất một năm hoặc mười năm. Tôi thường nghi ngờ khả năng viết lách của mình. Nhưng tôi phát hiện ra rằng những người khác cũng gặp điều đó.”

Trương Nghệ Mưu là người có quy tắc làm việc rất cao và ông đã áp dụng điều đó trong tất cả các tác phẩm của mình. Trên trường quay, ông yêu cầu nhóm kỹ thuật không thảo luận với ông, vì “tôi muốn dành thời gian đó cho các diễn viên.”

“Tôi đã làm việc với cùng một người quay phim suốt 15 năm nên chúng tôi không cần phải nói chuyện. Chúng tôi sẽ nói chuyện trước khi quay phim. Nó giống như làm bài tập về nhà cho đạo diễn vậy,” ông nói. Ông mô tả về mình khi làm phim “Mãn Giang Hồng” là: “Tôi ngồi lặng lẽ sau màn hình, như một nhân viên bảo vệ ở một khu chung cư.”

Lời khuyên của ông cho những ai muốn trở thành đạo diễn phim là: “Bạn cần có thể chất tốt. Không hút thuốc và không uống rượu,” tờ Variety dẫn lời ông nói.

Trong sự nghiệp của mình, Trương Nghệ Mưu từng tuyên bố sẽ làm việc để cho ra mắt mỗi năm một phim. Ông đã giữ đúng điều này trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm 2023, ông đã cho ra đời hai phim điện ảnh lớn, “Mãn Giang Hồng” vào Tháng Hai và “Dưới Ánh Đèn” (Under the Light) vào Tháng Chín. Chưa hết, đoàn làm phim của ông đã hoàn thành một phim khác, dự kiến phát hành ở Trung Quốc năm 2024.

Với châm ngôn “cả cuộc đời đi tìm bản chất điện ảnh” như ông đã nói, thì chắc chắn thế giới sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều kiệt tác màn ảnh rộng từ bàn tay và khối óc của đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu. (Kalynh Ngô) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT