Sunday, December 17, 2023

5 bộ phim lấy cảm hứng từ vấn đề xã hội chiếu trên Disney+

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Trang mạng xem phim trực tuyến Disney+ của hãng Disney không chỉ là một thư viện thu nhỏ dành cho lứa tuổi trẻ em và thiếu niên mà còn là kho tàng cho các khán giả người lớn.

Trong “Hidden Figures,” ba người phụ nữ da màu (từ trái) Mary Jackson (do Janelle Monáe đóng), Katherine Goble Johnson (Taraji P. Henson thủ vai) và Dorothy Vaughan (Octavia Spencer diễn) có nhiều đóng góp quan trọng cho NASA. (Hình: Facebook 20th Century Fox)

Trong Tháng Chín này, bên cạnh các bộ phim vui nhộn, hài hước và cảm động dành cho các em ở độ tuổi đi học, Disney+ còn công chiếu năm tác phẩm lấy cảm hứng từ các vấn đề xã hội trong đời sống hằng ngày mà những ai ở độ tuổi trưởng thành cũng có thể xem qua.

Hidden Figures

Nạn phân biệt chủng tộc và màu da là vấn đề muôn thuở và vẫn còn len lỏi ngấm ngầm đâu đó trong xã hội Mỹ. Và điều đó được thể hiện rõ nét qua bộ phim “Hidden Figures” của đạo diễn Theodore Melfi, phát hành vào năm 2016.

“Hidden Figure” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết hư cấu cùng tên của nhà văn Margot Lee Shetterly, nói về ba nữ nhà khoa học da màu Katherine Goble Johnson (do Taraji P. Henson thủ vai), Dorothy Vaughan (do Octavia Spencer đóng) và Mary Jackson (do Janelle Monáe diễn), làm việc cho cơ quan Hàng Không và Không Gian Mỹ (NASA) trong bối cảnh cuộc đua vào vũ trụ giữa hai cường quốc Mỹ và Nga.

Mặc dù những đóng góp vào công cuộc chinh phục vũ trụ của ba nữ nhà khoa học vô cùng to lớn, họ vẫn luôn phải đối diện với những ánh mắt dè bỉu và sự nghi ngờ về tài năng của mình chỉ vì màu da và giới tính.

Để có một nước Mỹ bình đẳng và tự do hơn như ngày nay, những người thuộc cộng đồng thiểu số, mà ở đây là những người da màu, phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh và tổn thương sâu sắc về nạn phân biệt chủng tộc nặng nề. Càng đặc biệt hơn nữa khi đây là ở NASA, một nơi tân tiến nhất ở nước Mỹ và thường chỉ tập trung đa số là nam giới da trắng.

Vượt qua những định kiến về màu da và giới tính, cả ba nhân vật đã tự đứng lên và đem lại tiếng nói của mình, góp phần vào sự phát triển của NASA và còn tạo ra nguồn cảm hứng vô tận cho phụ nữ da màu và cả phụ nữ thuộc cộng đồng thiểu số khác.

Chuyến chinh phục ngọn núi cao El Capitan chỉ bằng tay chân mà không có một dụng cụ leo núi hỗ trợ nào của Alex Honnold trong “Free Solo” đem lại sự hồi hộp cho khán giả. (Hình: National Geographic Documentary Films)

Free Solo

“Free Solo” là bộ phim đoạt giải Oscar ở hạng mục “Phim Tài Liệu Xuất Sắc Nhất” năm 2018, xoay quanh câu chuyện của nhà leo núi Alex Honnold chinh phục một mình dãy núi El Capitan ở công viên quốc gia Yosemite National Park, California, hồi Tháng Sáu, 2017.

Tác phẩm của hai đạo diễn Elizabeth Chai Vasarhelyi và Jimmy Chin có lẽ sẽ không dành cho người yếu tim xem và thậm chí còn có thể khiến cho hầu hết người lớn phải sợ hãi khi ghi lại một cách cụ thể quá trình leo trên ngọn núi cao trơn dốc đứng hơn 3,000 foot và chưa có một ai từng trải nghiệm qua, lại không hề có bất cứ một dụng cụ dây nịt hay dây thừng hỗ trợ nào.

Bộ phim không hề có một kỹ xảo nào, tất cả đều được quay một cách chân thật bằng các máy quay điều khiển từ xa và flycam, theo từng khoảnh khắc bước chân của Alex bước lên dốc núi, đồng thời các nhà làm phim còn phải làm sao để việc quay phim của mình không làm cho Alex bị phân tâm vì chỉ cần một chút sơ hở thôi, anh có thể té và tử vong tại chỗ.

Không chỉ khán giả xem phim mà cả đoàn làm phim của “Free Solo” từng tiết lộ rằng luôn cảm thấy hồi hộp dõi theo từng động tác của Alex, tay chân cũng bủn rủn theo mỗi khi Alex di chuyển khi chứng kiến một con người nhỏ bé chinh phục ngọn núi dốc cao chỉ bằng đôi tay và đôi chân bám vào.

“The Finest Hours” phát hành năm 2016, lột tả được lòng dũng cảm và gan dạ của những người cứu nạn trên biển. (Hình: Facebook Disney)

The Finest Hours

“The Finest Hours” là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về vụ tai nạn của con tàu Pendleton vào năm 1952, được tường thuật lại qua cuốn sách “The Finest Hours: The True Story of the US Coast Guard’s Most Daring Sea Rescue” của tác giả Michael J. Tougias và Casey Sherman.

Bộ phim tập trung vào hai tuyến nhân vật Ray Sybert (do Casey Affleck đóng) và Bernie Webber (do Chris Pine thủ vai).

Mở đầu phim, Bernie Webber có ngày đầu tiên nhận công việc cứu nạn đã phải đối mặt với một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm khi xông pha giải cứu cho con tàu tìm kiếm dầu Pendleton bị kẹt trong trận bão ở Cape Cod. Trong khi đó, kỹ thuật viên của tàu Pendleton, Ray Sybert, luôn giữ cho mọi người trên thuyền sự bình tĩnh để đối mặt với sự lằn ranh giữa sự sống và cái chết.

Bộ phim của đạo diễn Craig Gillespie tái hiện lại thảm họa cơn bão với các góc quay cận và xa một cách chân thực, giúp người xem cảm nhận được sự khó khăn, nguy hiểm và hồi hộp của con người trước sự phẫn nộ của thiên nhiên.

Đồng thời, thông điệp về lòng quả cảm, gan dạ và sự bản lĩnh được “The Finest Hours” truyền đến nhiều cảm hứng cho khán giả, cho dù bạn đang ở độ tuổi nào đi nữa.

Phim có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng ở Hollywood như Chris Pine, Casey Affleck, Ben Foster, Eric Bana và Graham McTavish.

“The Rookie” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật từ vận động viên bóng chày Jim Morris. (Hình: Facebook Buena Vista Pictures)

The Rookie

Năm 2002, đạo diễn John Lee Hancock cho ra mắt bộ phim “The Rookie,” lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về vận động viên bóng chày lớn tuổi nhất ở Mỹ Jim Morris khi tham gia giải đấu ở tuổi 35.

Giấc mơ trở thành một vận động viên bóng chày của nhân vật Jim Morris, do tài tử Dennis Quaid thủ vai, tưởng chừng như khép lại vĩnh viễn ở độ tuổi thiếu niên khi anh gặp một chấn thương nặng ở vai, nhưng một lần lại trở lại khi gia đình anh dọn về một thị trấn nhỏ mang tên Big Lake ở Texas sinh sống.

Tại đây, Jim Morris đã đặt cược với đội bóng địa phương rằng đội sẽ vô địch ở tiểu bang dù cho các thành viên không còn động lực và cũng không còn sự ủng hộ của người dân. Khi đội bóng Big Lake Owls ở địa phương anh vô địch, Jim Morris có cơ hội tham giải bóng chày quốc gia Major League ở độ tuổi 35, trở thành một tân binh lớn nhất trong các giải đấu chuyên nghiệp ở Mỹ.

Câu chuyện Jim Morris như là một nguồn động lực lớn cho khán giả, những người có thể ở độ tuổi trưởng thành, đã bắt đầu có trách nhiệm với bản thân và gia đình trên vai, bôn ba với bộn bề cuộc sống mà đánh rơi đi giấc mơ to đẹp từ bé. Ngoài ra, mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà và con cái cũng được “The Rookie” thể hiện một cách dễ thương, ý nghĩa và gần gũi, khiến chúng ta xem xong lại càng muốn gần với gia đình hơn.

“What’s Love Got to Do with It?” là sự giao thoa văn hóa giữa Tây phương, mà ở đây là nước Anh, và truyền thống của người Pakistan. (Hình: Facebook StudioCanal)

What’s Love Got to Do with It?

Một bộ phim tình cảm dễ thương, nhẹ nhàng sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn để thư giãn, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống bộn bề. Và bộ phim “What’s Love Got to Do with It?” sẽ không làm bạn thất vọng.

Bộ phim theo chân cô nàng Zoe Stevenson, do minh tinh Lily James đóng, một nhà làm phim quyết định làm một cuốn phim tài liệu về cuộc hôn nhân sắp đặt của người bạn hàng xóm gốc Á thơ ấu của mình tên là Kaz Khan, do tài tử Shazad Latif thủ vai. Anh được cha mẹ sắp xếp kết hôn với một phụ nữ trẻ ở Pakistan và hoàn toàn đồng ý với vấn đề đó.

Tuy nhiên, mọi chuyện liệu có đơn giản khi hai người chưa hề gặp nhau bao giờ, lại được nuôi dưỡng và sinh sống ở hai văn hóa, đất nước và quan niệm khác nhau hoàn toàn?

“What’s Love Got to Do with It?” sẽ đem lại cho bạn một câu chuyện rất gần gũi và giản dị, đồng thời khắc họa rõ nét những tâm tư, suy nghĩ và quan niệm của thế hệ trẻ di cư từ Á Châu sang Tây phương trong việc cân bằng giữa cuộc sống hằng ngày và truyền thống từ nguồn gốc của mình. (Nhất Anh) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT