Sunday, December 17, 2023

Hồ Ngọc Minh Đức nhớ về Duyên Đoàn 33, An Ninh Hải Quân, và ngày cuối Tháng Tư

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Kể tiếp về những năm tháng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từ khi là Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân, đến chánh văn phòng An Ninh Hải Quân ở Sài Gòn, Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, cho rằng đó là nhiệm vụ mà người lính VNCH phải cống hiến.

Hải Quân Trung Úy Hồ Ngọc Minh Đức tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)

Trò chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt tại Westminster, Hải Quân Thiếu Úy Hồ Ngọc Minh Đức cho hay sau khi bị thương tại mặt trận Cà Mau, ông được đưa vào bệnh viện Cà Mau để dưỡng thương hơn một tháng. Sau đó, ông được trở về đơn vị cũ Hải Đội 3 Cát Lở.

Tháng Chín, 1971, ông Đức được bổ nhiệm chức vụ thuyền trưởng chiếc Duyên Tốc Đỉnh (Patrol Craft Fast, PCF) 3825, với nhiệm vụ tuần duyên ven biển từ mũi Kỳ Vân, Long Hải, cho đến cửa Trần Đề, Sóc Trăng.

Tháng Sáu, 1972, ông được thuyên chuyển về căn cứ Rạch Dừa, Vũng Tàu, thuộc Duyên Đoàn 33, và được nhậm chức sĩ quan hành quân. Hằng ngày, toán hành quân của ông sử dụng tàu Yabuta vào những cửa sông nhỏ để phục kích địch thường hay dùng ghe để tải vũ khí và chuyển quân vào Long Sơn, Vũng Tàu.

Có một hôm, ông lệnh cho một nhóm bốn chiếc tàu Yabuta vào phục kích Việt Cộng đang lén dùng ghe chuyển vũ khí vào vùng Vũng Tàu tại Long Sơn, nằm giữa đường từ Thủ Đức đến Bà Rịa. Khi đi sâu vào vùng địch hoạt động, toán phục kích báo tin về là đã đụng địch dưới sông và cũng có địch trên bờ bắn vào tàu của toán phục kích. Trận đó toán phục kích cũng hạ được địch và lấy nhiều vũ khí.

Ông Đức kể: “Đến khi toán phục kích của tôi rút trở về thì bị địch bao vây trận đường sông Long Sơn không cho toán phục kích của Hải Quân kéo quân về. Lúc đó, tại trung tâm hành quân, tôi và chỉ huy trưởng liền mang theo bốn chiếc tàu vào để tiếp cứu bốn chiếc tàu của Hải Quân mình đang bị địch chặn đường, không cho rút quân về hậu cứ của Duyên Đoàn 33.”

“Vừa đến trận tuyến thì Việt Cộng lớp dưới ghe, lớp trên bờ tấn công tàu tiếp viện của chúng tôi dữ dội. Nhưng lúc đó cũng nhờ lính Địa Phương Quân VNCH trên bờ kéo đến kịp lúc bắn yểm trợ tàu chúng tôi cũng đang tác chiến với địch trên sông, đồng thời họ cũng hạ được đám du kích quân trên bờ. Trận này Hải Quân và Địa Phương Quân VNCH đã tiêu diệt được nhiều ghe của Việt Cộng và lấy được nhiều vũ khí, và địch cũng thiệt mạng trên 50 người. Bên Hải Quân chúng tôi chỉ có tôi và ông chỉ huy trường bị thương và có vài chiếc tàu Hải Quân bị tổn thất nhẹ.”

Sau trận đó, ông Đức được quân đội ân thưởng một Anh Dũng Bội Tinh và một Chiến Thương Bội Tinh nữa.

Những thời gian sau đó, ông cũng tiếp tục chỉ huy hành quân để truy kích địch trên những dòng sông rạch nhỏ thuộc vùng Long Sơn, nơi có nhiều địch ẩn náu.

Ông Đức nói: “Vì đơn vị chúng tôi kiểm soát và truy kích quá chặt chẽ, nên địch không còn léo hánh để chuyển quân và vũ khi đi đường sông vào Vũng Tàu.”
Tháng Tám, 1972, ông Đức được mang lon Trung Úy.

Thụ huấn khóa An Ninh Hải Quân

Đầu năm 1973, Hải Quân Trung Úy Hồ Ngọc Minh Đức được lệnh về Bộ Tư Lệnh Hải Quân tại Sài Gòn làm việc tại Phòng Tâm Lý Chiến của Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Sau đó, ông được thụ huấn trường Quân Báo Cây Mai để học về an ninh và tình báo. Khi ra trường ông được bổ nhiệm về Bộ Tư Lệnh căn cứ Hải Quân Nha Trang trong ngành An Ninh Hải Quân.

Hồ Ngọc Minh Đức tại quân trường Quang Trung. (Hình: Hồ Ngọc Minh Đức cung cấp)

Ông cho biết thêm: “Gần một năm sau, tôi được lệnh về Sài Gòn học thêm một khóa Tu Nghiệp An Ninh Hải Quân. Đến Tháng Chín, 1974, tôi được nhậm chức chánh văn phòng An Ninh Hải Quân ở Sài Gòn, văn phòng đặt tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khu Cục An Ninh Quân Đội VNCH cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975.”

Sáng 29 Tháng Tư, 1975, gia đình Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức gồm có mẹ, hai người em và một số bà con thân nhân đã chuẩn bị rời khỏi Sài Gòn. Họ cho ông biết là nghe tin rục rịch có nhiều người tìm cách xuống tàu để rời khỏi nước, vì nghe tin là Việt Cộng sắp đánh tới Sài Gòn. Lúc đó khoảng 3 giờ trưa thì quân đội, cảnh sát của VNCH đã đặt nhiều chốt để ngăn chận đồng bào không được ra đường, vì tin Việt Cộng đã kéo quân đến ngã tư Bảy Hiền. Lúc đó ông Đức vẫn còn ở trong Cục An Ninh Quân Đội để chờ lệnh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân.

Ông kể: “Anh rể của tôi đến Cục An Ninh Quân Đội báo tin cho tôi biết là gia đình đã ra bến Bạch Đằng đang chờ tôi tìm tàu Hải Quân để rời khỏi nước. Anh cũng cho tôi biết thêm là hiện giờ đã có nhiều tàu Hải Quân đang rời bến Bạch Đằng, và đưa nhiều người đi.”

“Chiều 29 Tháng Tư, tôi chạy ra bến Bạch Đằng thì gặp được gia đình và thân nhân của tôi đang chờ tôi đến. Lúc đó, tôi thấy một số tàu của tư nhân cũng đang chuẩn bị để ra khỏi Sài Gòn, và cũng có nhiều tàu Hải Quân đang chuẩn bị ra khơi. Tối hôm đó có vài chiếc tàu Hải Quân ra đi mà không cần chờ lệnh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân,” ông kể tiếp.

“Còn tôi vì nhiệm vụ của mình là chánh văn phòng An Ninh Hải Quân, nên tôi phải đợi lệnh của cấp chỉ huy. Do đó tôi chưa thể xuống tàu đi cùng gia đình để ra đi, và tôi phải trở lại Cục An Ninh Quân Đội để chờ lệnh,” ông Đức cho biết thêm.

Biến cố 30 Tháng Tư tại Sài Gòn

Cũng theo ông Đức, sáng 29 Tháng Tư, Tổng Thống Dương Văn Minh còn cho lệnh điểm danh những đơn vị Quân Đội VNCH còn ở lại Sài Gòn, vì tổng thống đã biết có một số tàu Hải Quân đã rời khỏi bến Bạch Đằng và nhiều nơi khác đã đưa nhiều quân nhân ra đi.

Ông kể tiếp: “Lúc đó, tôi được chỉ huy trưởng ngành An Ninh của Hải Quân lệnh cho tôi ở lại Cục An Ninh Quân Đội. Sáng 30 Tháng Tư, tôi trở về Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì không thấy ai, nên tôi đi xe gắn máy xuống bến Bạch Đằng và thấy gia đình tôi cùng thân nhân đang chờ đợi tôi. Mọi người cho hay họ đã thấy có nhiều tàu Hải Quân ra đi từ tối hôm trước.”

Lúc đó, tại bến tàu vẫn còn vài chiếc tàu đang chuẩn bị ra khơi, trong đó có chiếc Đông Hải 1, tàu của tư nhân đang đậu tại bến, và cũng đã có nhiều đồng bào đang ở dưới tàu này. Những nhân viên trên tàu cho biết là họ sẽ đưa đồng bào sang Singapore, với điều kiện là mỗi gia đình phải đóng cho họ $100.

Chiếc tàu Đông Hải đã từng chở những người tị nạn chiến tranh từ miền Trung vào đến Vũng Tàu và Sài Gòn. Trước đó chiếc tàu này đã nhận đưa một số gia đình của những nhân vật cao cấp và đại gia để rời khỏi Việt Nam, nên họ đã trang bị lương thực rất đầy đủ cho cả trăm người ra đi. Nhưng trong ngày 29 Tháng Tư thì một số Không Quân VNCH và những cơ quan Hoa Kỳ đã đưa họ bằng đường hàng không ra khỏi nước. Vì thế, chiếc tàu Đông Hải 1 vẫn còn trống, và có thể chứa trên 1,000 người sang Singapore.

Hồ Ngọc Minh Đức tại quân trường Hải Quân OCS Hoa Kỳ. (Hình: Hồ Ngọc Minh Đức cung cấp)

Ông Đức kể: “Trong số nhân viên của chiếc tàu Đông Hải 1, có người là thân nhân của chủ tàu, lợi dụng cơ hội này để rước người vượt biên với giá là $100 cho mỗi gia đình. Đoàn tàu Đông Hải có gần 30 chiếc, đã rời Việt Nam trên 20 chiếc và đậu tại Singapore; chủ tàu cũng đang ở bên Singapore. Tối 29 Tháng Tư, nhờ dì của tôi có tiền đô la Mỹ đóng cho nhóm quản lý tàu nên gia đình của tôi và thân nhân đã được xuống tàu.”

“Sáng 30 Tháng Tư, tôi trở về Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì không còn thấy những chỉ huy cao cấp nữa, tôi bèn trở lại bến tàu và chiếc tàu Đông Hải 1 vẫn còn đó, vì họ còn đợi gia đình của thân nhân chủ tàu. Lúc đó tình hình tại Sài Gòn rất hỗn loạn, vì Việt Cộng đã tiến đến Sài Gòn. Trưa 30 Tháng Tư, khoảng 11 giờ thì Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cũng may là tôi trở lại bến tàu nên xuống tàu đi cùng gia đình,” ông cho biết thêm.

Ông cho hay, trong lúc tàu đang còn mở máy để chờ người, thì Việt Cộng đã đến bùng binh Nguyễn Huệ ngang Tòa Đô Chính, rồi đặt pháo bắn xuống bến Bạch Đằng để ngăn chặn đoàn tàu sắp rời bến. Cùng lúc đó, các thân nhân của chủ tàu cũng vừa xuống tàu. Sau đó, các thủy thủ chặt dây an toàn để cho tàu rời bến Bạch Đằng.

Trên đường vượt biên

Tàu sắp chạy đến cửa sông Lòng Tảo thì có đoạn rất hẹp để ra cửa sông, mà lúc trước Việt Cộng từng phục kích những chiếc tàu Hải Quân rời bến Sài Gòn. Tàu Đông Hải 1 vừa vào nơi hẹp của sông Lòng Tảo thì trời mưa xối xả. Nhờ trời mưa, nên chiếc Đông Hải 1 không bị Việt Cộng tấn công.

Ông kể tiếp: “Sau đó, cơn mưa cũng bắt đầu tạnh và tàu cũng gần ra khỏi ngõ hẹp của sông Lòng Tảo, thì phía sau tàu Đông Hải 1 có một chiếc tàu khác đang chạy với tốc độ rất nhanh vượt qua khỏi tàu Đông Hải 1, đó là chiếc Việt Nam Thương Tín. Chiếc tàu này bị Việt Cộng trên bờ bắn xuống xối xả, sau đó họ đã kéo cờ của Pháp để cho Việt Cộng đừng bắn xuống tàu này nữa. Sau này, chúng tôi mới biết là nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống ở Sài Gòn, đã chết vì đạn pháo của Việt Cộng bắn xuống chiếc tàu Việt Nam Thương Tín tại cửa sông Lòng Tảo.”

Chiếc Đông Hải 1 được an toàn ra khỏi biển Vũng Tàu, rồi từ từ ra khỏi hải phận quốc tế. Trên tàu lúc đó ai cũng mệt mỏi và trời cũng đã sập tối, nên thủy thủ đoàn mới thả neo để tàu đậu lại cho mọi người nghỉ mệt. Lúc đó, dưới tàu có trên 1,000 đồng bào đi tị nạn Cộng Sản. Đoàn thủy thủ cho biết tàu thả neo không chạy nữa để chờ tàu của Mỹ đến rước những dân tị nạn.

Sau khi tàu Đông Hải 1 thả neo để chờ tàu Mỹ đến cứu thì thỉnh thoảng có những chiếc tàu nhỏ đi vượt biên, thấy tàu Đông Hải 1 lớn đang đậu, nên những chiếc tàu nhỏ đã cập vô tàu Đông Hải 1 để cho đồng bào vượt biên lên tàu lớn Đông Hải 1. Thấy tình cảnh của đồng bào vượt biên bằng tàu nhỏ rất tội nghiệp, nên thủy thủ đoàn cũng chấp nhận cho họ lên tàu Đông Hải 1.

Hải Quân Trung Úy Hồ Ngọc Minh Đức (thứ hai từ trái) trong lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Vì quá nhiều tàu cho người lên tàu Đông Hải 1, nên số lượng người trên tàu Đông Hải 1 đã lên đến trên 2,000 người. Tàu đậu không bao lâu thì bỗng có chiếc trực thăng bay tới gần tàu Đông Hải 1, nhưng chưa kịp đáp xuống tàu thì chiếc trực thăng này bốc cháy và rơi xuống biển trước mũi tàu Đông Hải 1.

Rạng sáng 1 Tháng Năm, một chiếc tàu Hải Quân Hoa Kỳ đến, họ cho trực thăng bay lên để kiểm định số lượng người trên tàu. Sau đó họ gọi điện qua tàu Đông Hải 1 cho biết số người trên chiếc Đông Hải 1 đã vượt quá 2,000 người, nên họ không thể bốc hết người sang tàu của họ được. Và họ bảo cứ chờ để họ tìm cách cứu giúp. Nhưng sau đó tàu Hải Quân Hoa Kỳ cũng đi mất, và không trở lại nữa. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

—–
Kỳ cuối: Cứu thuyền nhân và trở thành chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT