Sunday, December 17, 2023

Hồ Ngọc Minh Đức vào Hải Quân VNCH và cơ duyên học khóa đầu tiên OCS

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, kể về những năm tháng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từ khi là Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân, đến chánh văn phòng An Ninh Hải Quân ở Sài Gòn, rồi vượt biên tìm tự do và cứu thuyền nhân…

Hồ Ngọc Minh Đức tại quân trường Hải Quân OCS Hoa Kỳ. (Hình: Hồ Ngọc Minh Đức cung cấp)

Ông Hồ Ngọc Minh Đức tình nguyện nhập ngũ Khóa 20 Hải Quân VNCH năm 1969. Nhưng vì số tân Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Khóa 20 quá nhiều, nên ông không thể vào quân trường để nhập khóa này, và phải chờ ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH tại Sài Gòn để nhập Khóa 21.

Trò chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt tại Westminster, Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức cho hay ông không thể nhập ngũ Khóa 20 vì lúc đó Đề Đốc Trần Văn Chơn, tư lệnh Hải Quân VNCH, và Đô Đốc Elmo Russell Zumwalt, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, đang có chương trình bành trướng rộng lớn cho Hải Quân VNCH. Vì lúc bấy giờ, chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ thêm rất nhiều tàu chiến lớn nhỏ để yểm trợ cho Quân Lực VNCH, nên quân đội rất cần tuyển thêm nhiều tân Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân. Vì thế, ông Hồ Ngọc Minh Đức phải chờ nhập Khóa 21.

Du học chương trình huấn luyện Hải Quân tại quân trường OCS

Cũng trong thời gian này, Đề Đốc Trần Văn Chơn và Đô Đốc Elmo Russell Zumwalt cùng thảo luận với chính phủ VNCH và Hoa Kỳ là cho một số tân Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân được sang Hoa Kỳ để du học chương trình huấn luyện Hải Quân. Trường này có tên là OCS (Officer Candidate School), và chương trình đào tạo sĩ quan Hải Quân tại trường USN (United State of Navy) ở thành phố Newport, Rhode Island.

OCS là một trong bốn con đường để trở thành sĩ quan chính thức trong Quân Đội Hoa Kỳ. Việc nộp đơn dành cho dân thường, quân nhân đang tại ngũ, Quân Đội Dự Bị và Vệ Binh Quốc Gia phải có ít nhất bằng cử nhân (cho những khóa sinh thuộc Quân Đội Hoa Kỳ). OCS cung cấp chương trình đào tạo chiến thuật quân sự chuyên sâu cho những người cần để trở thành sĩ quan, đồng thời chuẩn bị cho họ sự nghiệp trong các lĩnh vực như kỹ thuật, tài chính, cơ khí, truyền thông…

Hồ Ngọc Minh Đức (bìa phải) tại quân trường Hải Quân OCS Hoa Kỳ. (Hình: Hồ Ngọc Minh Đức cung cấp)

Trước khi sang Hoa Kỳ du học, các tân khóa sinh phải học chương trình căn bản quân sự tại quân trường Quang Trung khoảng tám tuần lễ. Sau đó, họ được về thụ huấn chương trình học Anh Ngữ. Trong lúc này, vấn đề học tiếng Anh tại Việt Nam chưa thông dụng lắm, nên cũng là một trở ngại cho những Sinh Viên Sĩ Quân Hải Quân được sang du học tại Hoa Kỳ. Nhưng nếu ai đã có trình độ Anh Ngữ giỏi thì sẽ được cho sang Hoa Kỳ trước để thụ huấn chương trình đào tạo sĩ quan Hải Quân.

Trước khi tình nguyện vào quân đội, ông Hồ Ngọc Minh Đức đã từng học chương trình Anh Ngữ tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn khoảng hai năm, nên ông cùng một số tân khóa sinh được tuyển chọn sang Hoa Kỳ du học Khóa 1 Hải Quân OCS, vào khoảng Tháng Hai, 1970. Tổng cộng khóa học gồm sáu tháng chuyên ngành Hải Quân tác chiến, vận chuyển, cứu vớt nạn nhân trên biển…, và lãnh đạo chỉ huy cấp hạm trưởng.

Sau đó, số sinh viên được cho học ở OCS lên đến 12 khóa, và đã đào tạo được khoảng 750 Sĩ Quan Hải Quân VNCH đi du học ở trường OCS tại Hoa Kỳ.

Khi về nước, Hải Quân Chuẩn Úy Hồ Ngọc Minh Đức làm thuyền phó Patrol Craft Fast (PCF – Duyên Tốc Đỉnh), đơn vị căn cứ Hải Quân Cát Lở, Vũng Tàu, thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng III Duyên Hải.

Yểm trợ căn cứ Hải Quân Cà Mau

Ông Hồ Ngọc Minh Đức cho biết: “Công việc hằng ngày của chúng tôi là đi tuần duyên trên sông Cát Lở ban ngày cũng như ban đêm để yểm trợ an ninh và kiểm soát địch. Những thời gian này, tàu chúng tôi chưa có chạm địch lần nào. Sau đó, chúng tôi nhận lệnh của Bộ Chỉ Huy Căn Cứ Cát Lở xuống Cà Mau để yểm trợ cho căn cứ nổi Hải Quân Hoa Kỳ ở vùng Năm Căn, Cà Mau. Nhiệm vụ của chúng tôi là hằng ngày đi hộ tống những chuyến tàu chuyên chở cát về căn cứ nổi Năm Căn để Hải Quân Hoa Kỳ xây dựng căn cứ này nằm trên sông. Vì thế, Cộng Sản thường hay đánh phá những chuyến tàu chở cát này.”

“Đoàn tàu Duyên Tốc Đỉnh chúng tôi vừa đến Cà Mau thì qua hôm sau, khi đoàn tàu chúng tôi đang đậu tại bến tàu thì đặc công Cộng Sản ban đêm lặn xuống nước để đặt chất nổ dưới sông, nhằm hủy hoại đoàn tàu. Khi nghe chiếc đầu tiên bị nổ, thì chiếc chúng tôi mở dây neo chạy để tránh khu vực Cộng Sản đã đặt chất nổ. Khi tàu chạy khỏi vị trí khoảng 10 mét thì nơi chúng tôi đậu tàu lúc nãy đã phát nổ, còn mấy chiếc còn lại thì cũng bị nổ tung đã gây nhiều tử vong và bị thương nặng cho những đồng đội của chúng tôi,” ông kể tiếp.

Hải Quân Chuẩn Úy Hồ Ngọc Minh Đức lúc mới ra trường OCS. (Hình: Hồ Ngọc Minh Đức cung cấp)

“Sáng hôm sau chúng tôi mới phát hiện là đặc công Cộng Sản đã cột dây những chiếc tàu của chúng tôi dính chùm lại nhau, khi tàu đang đậu bến gần bên nhau, để cho đoàn tàu không thể rời bến mà phải chịu nổ tung cùng lúc. Nhưng tàu của chúng tôi may mắn là khi chúng tôi nổ máy để rời bến đậu thì ‘chân vịt’ tàu vô tình chặt đứt dây cột của địch, nên tàu chúng tôi mới được rời bến, và thoát khỏi nơi địch muốn phá tàu của mình,” ông Đức kể thêm.

Sau đó đoàn tàu yểm trợ vẫn đi hành quân dọc theo sông Bồ Đề thuộc vùng Năm Căn. Trong lúc này thì Việt Cộng “đấp mô” dày đặc trên hai lộ cập bên bờ sông, nhằm để ngăn chặn đường yểm trợ trên bờ mỗi khi chúng Hải Quân VNCH chạm địch.

Phục kích địch vùng Năm Căn Cà Mau

Có một ngày đơn vị của ông được lệnh hành quân phục kích Việt Cộng tại một con rạch nhỏ khoảng giữa căn cứ Năm Căn và Đầm Dơi. Khi vừa đến cửa con rạch này thì ông cho tàu chạy qua luôn, rồi mới vòng trở lại nơi địa điểm để “ủi bãi” tấn công địch trên bờ.

Ông kể lại: “Khi chúng tôi đến điểm để chuẩn bị tác chiến với địch trên bờ, thì từ buồng lái, tôi thấy một làn khói to từ xa đang hướng về tàu của mình. Tôi biết ngay đó làn đạn B-40 của địch bắn chúng tôi. Nhưng cũng may là trái đạn này không trúng vào tàu của chúng tôi. Và chúng tôi bắt đầu nổ súng, cùng lúc chúng tôi gọi Không Quân VNCH đến bắn yểm trợ, vì hỏa lực của địch cũng khá mạnh. Xem như trận này chúng tôi thành công, vì cùng với những đơn vị bạn đã phá được một chốt đóng quân của Việt Cộng thuộc vùng hoạt động của địch tại Năm Căn Cà Mau.”

“Qua hôm sau, chúng tôi gồm hai chiếc Duyên Tốc Đỉnh đi yểm trợ cho đoàn sà lan chở cát xuống Năm Căn. Lúc đó, thuyền trưởng của tôi đang ngồi ngủ gà ngủ gật thì có một con nhện rớt xuống tay của ông, làm ông tỉnh giấc và hỏi tôi là đã đến căn cứ Đầm Dơi chưa? Tôi mới nhìn bản đồ và trả lời với cấp chỉ huy là gần đến rồi. Thì liền lúc đó, tôi cũng phát hiện từ xa cũng có một làn khói đạn B-40 của địch cũng đang tiến tới tàu của chúng tôi. Tôi liền la lớn ‘Trời ơi,’ có nghĩa là mình đã chứng kiến cảnh mình trước khi chết, vì làn đạn đã ghim đúng vào tàu của mình đang tiến tới,” ông Đức kể thêm.

Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức (thứ ba từ phải) tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông kể tiếp: “Ngay lúc đó tôi thấy một luồng gió mát bên mình tôi, đó là quả đạn B-40 của địch đã bắn trúng tàu của mình và đi ngang gần bên tôi, cùng lúc, tôi cũng vừa phát hiện cửa kiếng của tàu trước mặt tôi cũng bị lủng một lổ to, nhưng không nghe đạn nổ. Lúc đó thuyền trưởng mới cho tàu chạy nhanh để tránh thêm làn đạn của địch từ trong bờ kinh bắn ra. Quả đạn B-40 của địch bắn trúng tàu của chúng tôi mà không nổ, nhờ vậy mà chúng tôi thoát chết. Trời đã cứu chúng tôi vì trái đạn này ‘bị lép.’”

“Liền sau đó, tàu chúng tôi lại bị thêm một quả đạn B-40 nữa trúng ngay vào mũi tàu, quả đạn này đã nổ và làm tôi bị thương bàn tay. Mặc dù tàu bị trúng đạn của địch nhưng cũng được trở về hậu cứ Năm Căn được an toàn. Sau trận này, tôi được quân đội ân thưởng cho một Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng, và một Chiến Thương Bội Tinh,” ông cho biết thêm.

Tháng Tám, 1971, ông Hồ Ngọc Minh Đức được mang lon thiếu úy. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

—–
Kỳ 2: Duyên Đoàn 33, chánh văn phòng An Ninh Hải Quân ở Sài Gòn, và ngày cuối Tháng Tư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT