Sunday, December 17, 2023

Văn chương nước nhà

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Tôi không dị ứng với cách phát âm chữ N và L, (Hình minh hoạ: VietNamNet)

Sỹ Liêm

Tôi không dị ứng với cách phát âm chữ N và L, nhưng tôi lại rất dị ứng hai chữ này khi bắt gặp một bài viết của một ai đó… Theo tôi, ta có thể phát âm sai chứ không có quyền viết sai…

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà viết:

“Trăm lăm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo nà ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn nòng…”

Nếu mà ngày xưa cụ Nguyễn mà viết kiểu như thế thì 3,250 (Truyện Kiều có 3,254 câu) câu còn lại vứt sọt rác.

Bởi nó mất đi cái cao sang, nó thành nhà quê…

Văn nói và văn viết hai cái nó khác nhau một trời một vực. Nói sao cũng được nhưng khi viết phải đúng, nhất là thi ca… Thi ca phải đúng N là N, L là L chứ không thể chồng chéo nhau được. Bởi, một thi sĩ khi làm thơ cái bắt buộc đầu tiên là phải nghĩ tới ngâm sĩ, tức là người ngâm thơ… Viết như thế làm sao ngâm?

Nhưng trong tiểu thuyết thì khác. Người viết có quyền viết chữ N và L chồng chéo qua nhau khi dùng thoại.

Tôi nhấn mạnh ở “dùng thoại,” chứ tôi không nói ở những phần diễn đạt của tác giả.

Diễn đạt thì phải đúng, nhưng khi dùng thoại thì phải dùng cho đúng văn nói của nhân vật thì mới lột tả hết được cái địa phương tính của cốt truyện. Ví dụ như người miền Nam ở miền Tây thì nhân vật phải là: Chời ơi! Gầu gỉ quá đi… Nhưng người Bắc ở thôn quê thì phải: Ối giời ơi!… Như thế cá tánh của nhân vật mới hừng hực, mới thật…

Ví dụ như viết về vùng Cà Mau mà nhân vật thốt lên: Chời ơi thì không đúng người Cà Mau… Người Cà Mau phải là: Chết đi chời quơi!…

Bởi vì cái địa phương tính ấy, nên văn chương Việt Nam ta mới không chuẩn… Mỗi miền mỗi khác… Cũng chẳng sao? Nhưng cái tai hại nó sẽ rất lớn khi dịch ra tiếng ngoại quốc. Lúc này mới là vấn đề…

Lúc này thì tác giả có chời ơi, có giời ơi, có chết đi chời quơi…. ất cả khi qua tiếng Anh sẽ chỉ còn lại một cái chung: Oh my God hoặc ra tiếng Pháp: Mon Dieu… Thế là tác phẩm ấy tiêu tùng… Mất hết cá tánh của nhân vật… Cái nơi nhân vật cư ngụ mất hộ khẩu! Và có cái điều lạ lắm… tác phẩm ngoại quốc dịch sang tiếng Việt vẫn hay và có khi hay hơn… vì nó không có khác biệt nhiều lắm trong ngôn ngữ địa phương… Thế mà tác phẩm Việt của chúng ta khi dịch sang tiếng nước ngoài lại hết hay… Nó mất hết những đặc thù… Nó chỉ còn giữ lại cái nội dung! Nội dung còn mà mất đi cái đặc thù thì giống như ăn tô phở không có nước lèo!!!!

Tôi đưa ví dụ thêm cho các bạn dễ hiểu hơn: Giống như văn của người miền Nam thường thì dùng nội dung để lấp liếm văn chương. Còn văn của người miền Bắc đa số là dùng văn chương để lấp liếm nội dung.

Nói như vậy không phải là văn người Bắc không có nội dung! Bây giờ, đem một truyện của ông Hồ Biểu Chánh mà dịch sang tiếng nước ngoài thì chết tức khắc, nó chỉ còn cục sườn. Bao nhiêu thịt thà, mỡ, lông mày, lông mi gì bay về cố quốc… Và văn người Bắc cũng thế. Nó cũng chỉ còn cái nội dung y như ông Hồ Biểu Chánh mà thôi…

Như vậy, ta có còn hy vọng văn chương Việt Nam có được giải Nobel hay không?

Tôi dám khẳng định một điều: Khó lắm thay!

Cái khó lắm thay này, nó còn nằm ở chổ như thế này…

Tôi xin trình bày nhé:

Tiếng Việt Nam chúng ta danh từ xưng hô nó quá nhiều. Cái này là cái bất lợi khi chúng ta viết văn. Trong khi ở nước ngoài, tiếng Anh chẳng hạn, nó chỉ có you, me, she, him… Nói trắng ra là mày tao, mây tớ đi! Đó chính là cái chúng ta đang bị mắc mứu mà không thể có giải Nobel văn chương.

Tại sao? Bởi vì cái danh từ xưng hô nó quá nhiều nên người viết văn Việt Nam tự dưng vô tình trở thành quan tòa phán xét nhân vật của mình mà không cần độc giả!

Ví dụ tác giả ghét nhân vật nào thì gọi là hắn ta hay lão ta, mụ ta, mẹ này, mẹ nọ, thằng này, thằng kia… Người đọc chỉ cần đọc: Mụ ta bước vào nhà… Thế là biết ngay con mụ này đóng vai ác trong tiểu thuyết mình đang đọc… Tác giả phán quyết hết rồi. Định mệnh đã an bài, không còn chừa chổ nào cho người đọc phán xét cả? Hoặc là: Chàng bước vào nhà… Thấy chữ chàng là biết ngay nhân vật này hiền… Ủa sao kỳ vậy ta? Hiền dữ gì để người đọc phán xét chứ!!! Tác giả không thích con mụ ngoại tình, nhưng tôi là người đọc, tôi thích mụ ta thì sao? Bởi tôi cũng là người ngoại tình như mụ nên tôi đồng cảm… Trong khi đó văn chương nước ngoài họ chỉ có dùng She hoặc He… Họ đâu có từ mụ ta hoặc hắn ta để mà phán xét… Họ để cho độc giả phán xét nhân vật trong câu truyện của tác giả hư cấu qua phân tích tâm lý nhân vật…

Thế đó! Nếu chúng ta cứ tiếp tục đi trên con đường làm quan tòa phán xét nhân vật thì liệu giải Nobel có hy vọng không?

Bởi vì dù chúng ta có gào to mụ này, mụ nọ, thằng kia, thằng nọ, mẹ này mẹ nọ… khi dịch sang tiếng nước ngoài chỉ còn lại she, he và him hoặc you mà thôi!

Vậy đó ! Những truyện nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt mình cũng bị ảnh hưởng cái bệnh quan tòa phán xét nhân vật… Rõ ràng bên nguyên bản chữ SHE mà sao qua tiếng Việt thành MỤ ta liền?

Đó là một trong những điều tôi trăn trở cho văn chương nước nhà! Trong ao nhà có thể là một đại tác phẩm nhưng khi ra nước ngoài chỉ là một tiểu phẩm mà thôi…

Sỹ Liêm

 

MỚI CẬP NHẬT