Sunday, December 17, 2023

Dòng bướm Phượng

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Papilio machaon xuất hiện trong sách giáo khoa, hoạ phẩm, phim ảnh, tem thư…, (Hình: Nguyễn Linh Quang)

Nguyễn Linh Quang

Ở Việt Nam, có một điều hiếm thấy so với các nước khác trên thế giới: Sáu họ bướm ngày đều có mặt. Đó là: Họ bướm Phượng (Papilionidae), bướm Giáp (Nymphalidae), bướm Phấn (Pieridae), bướm Xanh (Lycaenidae), bướm Nhảy (Hesperiidae) và bướm Ngao (Riodinidae).

Nhưng, nếu họ bướm Ngao chỉ có một vài đại diện, đa số những cánh bướm rập rờn bên nội cỏ hay thoắt ẩn thoắt hiện ở ven rừng, góc vườn trên đất Việt lại thuộc hai họ bướm Giáp và bướm Phấn. Bướm Nhảy bay nhanh như ruồi hoặc bướm Xanh bé xíu như cái móng tay, nên trở thành… vô hình, ít gây được sự chú ý của người thích hoà mình vào thiên nhiên. Ngược lại, sự xuất hiện của một cánh bướm Phượng thường níu tầm nhìn của kẻ nhàn du, vì màu sắc, cấu trúc cánh, đường bay, nét lượn, tất cả toát lên vẻ quyến rũ, sang cả của chủng loài được xem là đẹp đẽ nhất trong các loài côn trùng trên bề mặt trái đất này.

Họ bướm Phượng chỉ có khoảng gần 600 loài, đa số sống ở vùng nhiệt đới, có đặc điểm chung: Cánh to, màu sắc trên cánh bắt mắt, phần cánh dưới mọc thêm một, hai đuôi tròn hoặc nhọn, phần râu, chân, thân đều thuôn dài, thanh mảnh, đường bay không quá nhanh, nhưng cũng không la đà, trừ vài loại bướm nương theo sức gió để lượn như diều trên đỉnh cây.

Trứng bướm Phượng tròn, màu ngà, đính riêng rẽ vào mặt dưới lá. Khi bị tấn công, sâu họ bướm Phượng dựng sửng lên một mẩu thịt màu vàng-cam có mùi chua loét rất khó ngửi, đồng thời cong người phòng thủ, khiến kẻ thù phải tháo lui.

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho sự phát triển của côn trùng nói chung và các loài bướm nói riêng. Họ bướm Phượng ở Việt Nam được ước tính có hơn năm mươi loài, tiêu biểu nhất là các loài bướm được liệt kê dưới đây:

Papilio polytes: ở Sài Gòn và vùng phụ cận, sâu thường thấy ăn lá cây cà ri. Đây là loài bướm to, đẹp, nhưng không rực rỡ. Bướm thuộc loại lưỡng hình: có thể phân biệt được dễ dàng bướm đực và bướm cái.

Papilio polytes có thể xem là “bướm thành phố.” (Hình: Nguyễn Linh Quang)

Tuy đều có đuôi tròn ở phần cánh sau, nhưng bướm đực chỉ có một dạng (đen tuyền với một vành đốm trắng ở cánh dưới), trong khi bướm cái có nhiều dạng khác nhau, phổ biến nhất là dạng có cánh trên xám nhạt với các gân đen và cánh dưới màu đen, điểm xuyết các vành bán nguyệt đỏ với hai mảng trắng to có gân đen gần thân bướm.

Papilio polytes có thể xem là “bướm thành phố” trong khi hai anh chị em họ khá giống, Papilio helenus và Papilio nephelus, lại lẩn khuất bên các đường mòn trong rừng hay tụ tập hút nước khoáng ven suối. Phần cánh ngoài của hai loài bướm rừng này giống màu cánh bướm cái Papilio polytes, trong khi phần cánh trong đen tuyền, có đốm trắng to ở cánh dưới lại hao hao như cánh bướm đực Papilio polytes.

Papilio demoleus: đây có lẽ là loài bướm Phượng phổ biến nhất Việt Nam. Có thể thấy chúng khắp nơi, kể cả các thành phố lớn: Papilio demoleus xuất hiện thường xuyên bên các khóm hoa trong công viên Tao Đàn hay Sở Thú ở Sài Gòn.

Sâu bướm này thích ăn lá chanh, lúc nhỏ màu nâu nhạt, có một vết trắng trên lưng, nhìn xa, giống hệt một bãi phân chim trên lá. Sâu non lột xác nhiều lần, chuyển sang màu xanh, lúc sắp thành nhộng, trong veo như một miếng sương sáo! Nhộng bướm chanh có hai màu, xanh hoặc nâu, tuỳ vào chỗ sâu chọn để treo ngược đầu hoá nhộng: dưới cành hay dưới lá. Bướm đực và bướm cái giống nhau về màu sắc và cấu trúc cánh: không đuôi, nền đen, đốm trắng ngà to nhỏ xếp thành viền lớn giữa cánh và rải rác bên mép bốn cánh, cuối mép cánh dưới có thêm một chấm đỏ to với vành bán nguyệt mảnh xanh nước biển.

Ở Phi châu, có loài Papilio demodocus gần giống hệt bướm chanh Papilio demoleus. Điểm duy nhất có thể phân biệt được giữa chúng với nhau: bướm Phi châu có chấm xanh nước biển to với vành bán nguyệt mảnh màu đỏ ở mép trong cánh dưới, ngược lại so với bướm Á châu. Trong các vườn bướm trên thế giới, nếu cùng thả lẫn lộn hai loài bướm có thói quen đập cánh liên tục này ngay cả khi đậu lại hút mật hoa, người tinh mắt cách mấy cũng phải chào thua!

Papilio memnon: được xem là loài bướm Phượng chi Papilio lớn nhất thấy được ở Việt Nam, chỉ sau hai anh em chi Troides. Khoảng cách hai đầu cánh đo được gần một gang tay người lớn, chừng 150mm. Đây cũng là một loài bướm lưỡng hình: con đực không có đuôi, phần trong cánh trên đen tuyền, phần dưới xanh nước biển đậm, trong khi con cái có nhiều dạng với hay không có đuôi ở cánh dưới, và màu sắc tương tự bướm cái loài Papilio polytes, nhưng lớn hơn gấp hai, ba lần. Bướm Papilio memnon thấy nhiều quanh khu vực Biên Hòa-Thủ Đức hay ở Huế, nơi có trồng nhiều bưởi và bưởi thanh trà, món ăn khoái khẩu của sâu non.

Troides helena và Troides aeacus: lớn nhất trong các loài bướm Phượng ở Việt Nam. Nhiều cá thể có khoảng cách giữa hai đầu mút cánh lên đến 170mm. Hai loài bướm rừng này khá giống nhau, chúng có thân vàng chấm đen, cánh trước có các vệt đen trắng xen kẽ, cánh sau có màu vàng hoàng yến rực rỡ, điểm xuyết các đốm đen hình tam giác. Đây là hai loài bướm to, đẹp, hiếm, bị truy lùng nhưng lại chậm chạp nên dễ sa vào lưới vợt của người săn đuổi. Bướm có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng hiện nay, đã được nuôi và nhân giống trong các trại bướm Á Châu, như ở Bửu Long (Đồng Nai) chẳng hạn, để phân phối cho người sưu tầm hay gửi đi các vườn bướm trên khắp thế giới.

Chi Troides gồm toàn những loài bướm to, tập trung ở vùng Đông-Nam Á và trên các đảo Thái Bình Dương thuộc Nam Á và Úc Châu. Con đực nhiều loài có màu sắc rực rỡ, óng ả: từ xanh lá, vàng chanh, cam tươi sang xanh nước biển, trong khi con cái thường chỉ có màu nâu xỉn và các đốm trắng trên cánh! Bướm cái của loài Troides alexandrae được xem là loài bướm ngày lớn nhất thế giới, với hai đầu mút cánh đo được đến 280mm.

Papilio demoleus: đây có lẽ là loài bướm Phượng phổ biến nhất Việt Nam. (Hình: Nguyễn Linh Quang)

Graphium agamemnon: mặt trong cánh bướm đen tuyền, điểm nhiều hàng chấm to nhỏ màu xanh lá cây, mặt ngoài cánh ngả nâu xám, cũng với những hàng đốm xanh lá. Cánh dưới kết thúc bằng một chiếc đuôi thuôn. Màu xanh lá cây trên cánh loài bướm này là một màu đặc trưng, để phân biệt với các loài khác thuộc chi Graphium, thường có đốm xanh da trời trên nền đen. Hơn nữa, hiếm khi thấy được màu xanh lá cây trên các cánh bướm năm châu. Sâu non của bướm này thường ăn lá na, mãng cầu xiêm và bình bát, nên bướm thấy được khắp nơi, phố thị, ruộng vườn hay trong rừng rậm.

Sâu non của loài Graphium sarpedon cũng sống trên các cây họ na, nên loài bướm có cánh ngoài đen với vệt xanh da trời hình chữ V như chiếc boomerang này cũng thấy khắp nơi trên đất Việt, nhưng hiếm hơn Graphium agamemnon nhiều.

Graphium arycles bướm có mặt trong và ngoài cánh giống nhau: nhiều hàng đốm xanh da trời nhạt to nhỏ khác nhau trên nền đen. Mặt cánh ngoài, phần sát thân, đôi khi có thêm một vệt đỏ. Loài bướm này có thói quen vỗ cánh không ngừng, ngay cả khi đậu xuống hoa hút mật. Rất ít khi thấy chúng xoè cánh nằm phơi nắng như các loài bướm Phượng khác. Sâu non của chúng thấy xuất hiện trên cây ngọc lan ở thành phố, nhưng Graphium arycles vẫn được xem là một loài bướm rừng.

Graphium antiphates: một trong những loài bướm Phượng đẹp nhất có mặt ở Việt Nam. Bướm có đuôi dài, nhọn nên được gọi là bướm Đuôi kiếm. Phần cánh trong trắng, viền đen, với nhiều vạch đen ngắn dọc cánh trên và vùng xám nhạt kết thúc bằng đuôi màu đen ở cánh dưới. Mặt ngoài cánh bướm là một sự kết hợp hài hoà của các màu xanh đọt chuối, vàng nghệ cùng hai sắc đen-trắng, như một tác phẩm mỹ thuật của thiên nhiên. Đây là một loài bướm rừng, nhưng đôi khi cũng thấy xuất hiện ở vùng Thủ Đức-Biên Hòa.

Bướm Phượng chi Papilio lớn nhất thấy được ở Việt Nam, (Hình: Nguyễn Linh Quang)

Chilasa clytia: là loài bướm lưỡng hình, màu sắc của con đực và con cái hoàn toàn khác nhau. Trong khi cánh bướm đực màu nâu đậm, với vạch và đốm trắng viền quanh mép cánh, bướm cái lại đầy vạch đen ngang trên nền xanh da trời ở cả bốn cánh, mặt trong lẫn ngoài. Được đặt tên “Bướm nguỵ trang” vì con đực bắt chước màu sắc của Euploea core, loài bướm được chim chóc tránh xa, do tích tụ chất độc vì sâu non ăn lá cây trúc đào. Bướm cái Chilasa clytia lại bắt chước màu sắc của Ideopsis vulgaris, cũng là một loài bướm độc thuộc họ bướm Giáp (Nymphalidae) như Euploea core vậy. Có thế, mới thấy được sự diệu kỳ của thiên nhiên!

Ở Bắc Mỹ, có hai loài bướm Phượng đẹp mắt: Papilio glaucus vàng tươi sọc đen trong khi Papilio polyxenes lại gần như đen tuyền với các đốm vàng viền cánh. Khắp Âu châu và Bắc Phi, người ta chỉ đếm được mươi loài bướm Phượng, so với con số hơn năm mươi loài chỉ riêng ở Việt Nam. Phổ biến nhất, chỉ có hai loài Papilio machaon và Iphiclides podalirius. Các loài khác, chỉ thấy xuất hiện ở vài nước, một số vùng núi hay thậm chí, chỉ trên một hai hòn đảo!

Papilio machaon được loài người xem như đại biểu của dòng bướm Phượng trên toàn thế giới: loài bướm này có mặt từ Âu sang Á, kể cả Bắc Phi và Bắc Mỹ. Vì thế, Papilio machaon xuất hiện trong sách giáo khoa, hoạ phẩm, phim ảnh, tem thư…, trở thành biểu tượng của cái đẹp toàn hảo mà thiên nhiên đã dày công mài dũa từ nhiều trăm triệu năm để chúng ta được chiêm ngưỡng ngày hôm nay.

Dù chỉ là một cánh bướm mong manh…

Thiais 09.2023

 

MỚI CẬP NHẬT