Sunday, December 17, 2023

Cuộc đời rất ngắn ngủi…

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Lê Quang Thông

Chưa đầy ba năm sau, tôi gặp vợ con. (Hình minh hoạ: DANIEL ROLAND/AFP via Getty Images)

Tôi không triết lý về cuộc nhân sinh, mà chỉ nhắc lại câu của Oscar Wilde: Cuộc đời rất ngắn ngủi để mà học tiếng Đức. (Life is too short to learn German. Das Leben ist zu kurz um Deutsch zu lernen)

Oscar Wilde, nhà văn trẻ tài hoa người Ireland, mất ở Pháp khi mới 46 tuổi, yên nghỉ trong nghĩa trang Père Lachaise với Chopin, Victor Hugo, Appolinaire… ở quận 20 Paris, mộ bia đầy dấu son môi của người ái mộ hôn, đến nỗi phải treo bảng cấm.

Không biết Wilde nói hay viết câu này trong dịp nào, trong cuốn nào, nhưng khi bàn về tiếng Đức, câu này được nhiều người trích dẫn.

Bên ta, xứ Đông Lào, cũng có nhiều câu truyền tụng lâu đời, làm đám hậu sinh lúng túng. Lớn lên ở Huế, chắc ai cũng có lần nghe:

“Bất giao Nguyệt Biều hữu. Bất thú Dạ Lê thê…”

Như có ý răn đe do kinh nghiệm riêng lẻ, từ vài người đã gặp ông bạn xấu ở làng Nguyệt Biều, hay cô vợ phóng túng xứ Dạ Lê.

Chắc chắn Wilde không răn đe ai, cả riêng tôi, người bắt đầu học tiếng Đức khi đã 31 tuổi. Mà dẫu có răn đe tôi cũng không còn chọn lựa nào khác: tới Tây Đức thì phải học tiếng Đức, nếu muốn hội nhập vào đời sống trên quê hương mới.

Trên tàu Cap Anamur tôi chưa nghĩ tới chuyện học tiếng Đức. Làm thông ngôn tiếng Pháp để Bác Sĩ Georg tập đọc tiếng Đức cho bà con mỗi chiều trên biển. Công việc mỗi sáng giới thiệu bệnh cho bác sĩ, thông dịch lời khai của bệnh nhân. Buổi trưa, thông dịch cho cô Susane phát thực phẩm cho toán nhà bếp. Ba việc đó xoay quanh đã hết ngày. Hiện tại, cần thiết là gom lại vốn liếng tiếng Anh, tiếng Pháp để dùng, rồi tính chuyện học tiếng Đức sau, nếu phải về Tây Đức.

May, tôi được tặng một cuốn tự điển Pháp Việt còn nguyên từ chữ A đến chữ Z, chỉ không còn bìa nên không biết tác giả. Cuốn này do một ghe đi từ Vũng Tàu, được Cap Anamur vớt trong xế chiều Tháng Năm, biển động và mưa gió dữ dội. Một gia đình trên ghe thấy tôi cùng với bác sĩ, y tá, thủy thủ…ướt dầm dề, biếu cuốn tự điển ngay khi mới lên Cap Anamur.

Rồi Carina, cô y tá trên tàu, nhân ghé Singapur, mua cho cuốn Tự Điển Anh Pháp bỏ túi. Hằng ngày, tôi chú thêm tiếng Việt vào cuốn bỏ túi, thông qua cuốn Pháp Việt được tặng. Đây là công việc thú vị. Bút chì không thiếu, có cả máy gọt nhọn, Carina kiếm những vật dụng tôi cần, dịu dàng như mỗi tối mang xuống hầm tàu cho tôi ba điếu thuốc vấn Drum.

Sau ba tháng lênh đênh trên biển, Cap Anamur đã từ Vịnh Thái Lan qua Ấn Độ dương. Tiếp đến tàu vô Hồng Hải, dùng kênh đào Suez để ra Địa trung Hải, chạy giữa Châu Âu và Châu Phi qua eo Gibraltar ra Đại Tây dương. Từ đó, tàu vô Ärmerkanal chạy giữa Anh và Pháp, rời đường biển hẹp Dover, chạy dọc theo bờ biển Hoà lan, cho đến cửa sông Elbe, vô cảng Hamburg Đức.

Chúng tôi hơn 300 người được đưa về tạm trú mấy hôm ở Hamburg để phân chia đi 10 Tiểu bang và Tây Bá linh. Tôi được về tiểu bang Niedersachsen cùng với 20 người khác.

Tới trại tiếp cư lần đầu, tên trại đã làm không ít người bối rối khi viết địa chỉ:
Grenzdurchgangslager Friedland (trại chuyển tiếp biên giới Friedland)

Thêm một lần nghe bà con than vãn: “der die das là đời đi đứt”

Chữ đứt cùng âm với Đức, quốc gia mà ngôn ngữ có ba mạo từ cho giống đực, giống cái, và trung tính. Rồi đến sự biến hoá (die Deklination) cho từng mạo từ. Không lẽ vì những chi li này mà Wilde than cuộc đời thật ngắn ngủi để học tiếng Đức sao?

Trại Friedland được tổ chức do Lực lượng chiếm đóng Anh và Đại học Göttingen, hoạt động bắt đầu từ Tháng Chín, 1945. Trại gồm nhiều dãy Baracke tiếp nhận nhiều đợt tổng cộng cả hàng trăm ngàn tù binh Đức từ Liên Sô trở về. Sau đó đón dân Đức hồi hương từ Ba Lan. Theo thứ tự thời gian, trại đón dân nổi dậy ở Ungarn (1956), dân tỵ nạn từ Chile (1973), và mấy năm nay thuyền nhân Việt Nam (1978).

Đến Friedland tôi gặp Hans, thầy giáo trường Cao Đẳng Nông nghiệp Witzenhausen, ngay ngày thứ hai khi đón Autostop đi Göttingen, nơi nhà Toán Học Gauss đã học và dạy Toán. Hans người Freiburg, khu rừng Đen. Hans gợi ý cách học tiếng Đức qua tiếng Pháp và tặng tôi một số sách song ngữ Pháp-Đức. Cộng với sách vở mà Emile, cha nuôi của tôi người Pháp mang từ Paris khi qua Đức thăm tôi, có thể nói tôi có quá đầy đủ để bắt đầu. Chỉ còn lo học thôi.

Tôi ở Friedland một tuần và chuyển lên phía Bắc Đức, trại Nazareth ở Norddeich sát biển Nordsee. Đây là một trại tỵ nạn lớn cho người Việt. Ở đó còn có thêm một tập đoàn trẻ Việt vị thành niên, không cha mẹ, không người thân khi tới Đức. Nhân số trong trại có lúc vài ngàn người. Chúng tôi sẽ ở lâu tại đây để dự khoá tiếng Đức cơ bản, làm thông hành, hồ sơ đoàn tụ gia đình và kiểm tra sức khỏe… trước khi phân tán đi định cư.

Trại rất đẹp, gồm hàng chục Bungalow nằm quanh một khu nhà cao tầng dùng làm khu hành chánh, nhà bếp, phòng ăn, nơi ở của đám trẻ vị thành niên… Nổi bật là ngôi nhà thờ Tin Lành có hình mũi chiếc thuyền, biểu tượng thuyền nhân đến Đức từ những năm cuối thập niên 70.

Tôi được xếp ở chung bungalow với một anh sĩ quan Hải Quân cùng tuổi. Tiền ăn được phát hàng tuần. Ăn uống nấu nướng tự do. Bungalow nào cũng có sẵn một giàn bếp đầy đủ nồi niêu, son chảo, chén bát, ly tách.

Bọc mền, khăn trải giường được cung cấp sạch sẽ hằng tuần, người dùng tự thay lấy và giao đồ cũ cho nhân viên trại lo việc giặt ủi. Nói chung, tổ chức sinh hoạt trại rất tốt. Sau này khi ra định cư, ai cũng thấy thời gian ở trại là ở thiên đường, không phải lo âu gì cả.

Chỉ có tôi, đang lo chuyện ăn uống hằng ngày. Để anh bạn cùng nhà tình nguyện nấu cho, thì tội cho ảnh quá. Ảnh đi chợ, băn khoăn chuyện trưa chiều đổi món… Tôi chỉ có rửa dọn chén bát sau bửa ăn, tự thấy như một gánh nặng cho anh bạn. Tại sao không xin ăn bếp tập thể với các em vị thành niên?

Nghĩ là làm. Tôi gặp anh Ph., phụ trách người tỵ nạn cho trại, trình bày ý muốn mình. Anh Ph. vui vẻ đùa tôi làm chuyện ngược đời, bà con ai cũng thích thú tự nấu ăn, vừa hợp khẩu vị, vừa có thể tính toán để dư dả mua quà gởi về gia đình, tôi lại muốn chuyển tiền ăn vô căn tin để dùng bếp tập thể. Nhưng anh kéo tôi đi ngay xuống nhà bếp, bàn bạc với cô bếp trưởng, và cô ta vui vẻ nhận. Bắt đầu sáng mai tôi sẽ ăn sáng với nhân viên nhà bếp vào lúc 6:30, và các buổi trưa tối, hai ngày cuối tuần cô sẽ sắp xếp và cho biết vào sáng mai.

Lúc mới đến Tây Đức, hầu như ai cũng lo chuyện gởi quà về nhà, vì những năm đầu thập niên 80 ở Việt Nam, đời sống bắt đầu gay go. Quà ở ngoại quốc gởi về thành một nguồn tài chánh lớn cứu vãn rất nhiều gia đình.

Ở Tây Đức không gởi về máy móc, vải, áo quần… như bên Mỹ, hay thuốc Tây như bên Pháp, mà những món nho nhỏ như hộp quẹt ga, xà phòng Dove, mũi khoan, giấy nhám… đều có giá cao trên thị trường. Người trong trại chỉ cho nhau, và họ đi chợ tha về những thứ đó, mỗi tháng đóng được một thùng 50x30x20 gởi đường bưu điện Tây Đức là bên nhà thân nhân sống được.

Buổi sáng đầu tiên ở nhà bếp, tôi ngồi giữa một nhóm đàn bà vui vẻ và dềnh dàng to lớn. Ingrid, cô trưởng nhà bếp, giới thiệu tôi với mọi người. Tôi không hiểu gì ngoài cái tên tôi, mà Ingrid phát âm rất đúng. Coi bộ Ingrid nói rất tốt về tôi, nên người nào cũng đến ôm hôn thân thiết.

Tôi ăn sáng chung với nhóm này trong bếp. Trưa ăn nóng, đầy đủ các món, tôi chọn lấy rồi bưng mâm vào ngồi ăn trong bếp hay bên ngoài, chỗ nào tôi thích. Buổi chiều cũng vậy, nhưng đơn giản hơn với bánh mì, thịt nguội, xà lách. Sữa chua, trái cây… bữa nào cũng có để tráng miệng. Hai ngày cuối tuần họ mang xuống Bungalow đồ ăn cho Thứ Bảy, Chủ Nhật, để vào tủ lạnh.

Tôi, như một ông Hoàng, mỗi buổi sáng được đón tiếp líu lo từ đám cung nữ đồ sộ, xinh xắn để bắt đầu một ngày mới sinh động và tiến bộ rất nhanh về tiếng Đức. Những cung nữ là những cô giáo tiếng Đức gần gũi, tuyệt vời cho các môn nghe và hiểu, phát âm… nếu như họ đừng nói Plattdeusch, một loại tiếng Đức thông dụng địa phương trong dân Đức và Hoà lan ở vùng sát biển phía Bắc.

Sau một tháng, con người tôi thay đổi thấy rõ. Người mập ra do ăn uống quá tốt. Hằng ngày đầy bận rộn với những việc giấy tờ: làm thông hành, giấy tờ xin đoàn tụ gia đình, giấy xin học tiếng Đức để vô đại học, giấy xin học nghề chuyên môn. Tôi chạy bộ mỗi sáng trên đê một tiếng đồng hồ, sau đó tắm rửa, đi ăn sáng, rồi lo học.

Norddeich là đê ngăn biển Bắc với đất liền phía Bắc Đức, dài 610 km, được xây dựng từ thế kỷ 12, che chở một vùng rộng lớn trước lụt biển, thủy triều, gió chướng… Bề mặt đê rộng, xe hơi có thể chạy được, là nơi đi bộ, xe đạp, hít thở không khí trong lành từ biển. Bờ đê cả hai phía mọc đầy hoa bồ công anh, vàng đến chân trời phía Nam.

Phía biển gọi là Wattenmeer, biển bãi bùn, do thủy triều lên xuống ngày hai lần. Khi nước xuống, dân địa phương có thể ra rất xa để bắt sò ốc, du khách có thể đi dạo với điều kiện phải có hướng dẫn viên, người nắm giờ giấc thủy triều lên xuống chuyên nghiệp, để rút vào bờ đúng lúc.

Phía đất liền, nhà cửa, vườn tược cách đê một con đường rộng. Nóc nhà thấp hơn mặt đê, nhà gạch đỏ đặc trưng ở vùng phía Bắc.

Chừng đâu một tháng sau ngày tới trại, lớp học tiếng Đức bắt đầu. Trường gần trại và chúng tôi được phân thành hai lớp. Khoá học sẽ kéo dài sáu tháng. Học xong người tỵ nạn sẽ được đưa đi định cư ở các vùng trong tiểu bang.

Các bác lớn tuổi, phần lớn dân miền biển hay miền Tây sông nước. Họ vui vẻ, hồn nhiên, thường phiên âm ra tiếng Việt những tiếng Đức thông dụng. Ví dụ, họ chào hẹn gặp lại “ba ký rau dền” từ tiếng Đức “Auf Wiedersehen.”

Tên tiểu bang mà chúng tôi đang ở là Niedersachsen, họ gọi tếu ra là “Đi hoài rách quần.” Đây là tiểu bang diện tích lớn nhất so với các tiểu bang khác trong vùng Bắc Đức. Theo họ, rộng đến nỗi đi hoài thì chắc chắn quần phải rách.

Có một bác lớn tuổi, học hành rất siêng năng. Bác dùng những tấm bìa, nhặt ở siêu thị, cắt ra làm fiche, chăm chỉ ghi các chữ đã học. Không biết phương pháp của bác có hiệu quả không? Khi tới trại tôi thấy bác đã làm vài thùng sắp đầy fiche chất quanh bàn học.

Đám thanh niên phần lớn từ Miệt Thứ, Cà Mau… có học đâu đó đến cấp 2 rồi ra làm nghề, đi biển, bây giờ rất hiếu học. Biết tôi là thầy giáo, chúng cứ đeo theo hỏi tôi thấy cách học của bác Bungalow 21 thế nào, có nên bắt chước không. Tôi thắc mắc vì sao các em hỏi như vậy. Chúng nó trả lời đơn giản, vì thấy cô giáo hỏi mấy câu thông thường bác cứ đực mặt ra, trong khi tụi em nghe anh với cổ đá qua đá lại mà khoái quá. Chỉ cho tụi em cách học với.

Tôi nói tôi nhờ ăn cơm ba bữa với nhà bếp, nên nghe, nói quen dần dần. Các em cũng có thể làm như vậy, nếu chịu khó cua đầm. Quen được một cô, tha hồ nói, chỗ nào sai cô sửa cho, chừng một thời gian sẽ nói tiếng Đức như gió. Các em nói cua đầm cũng đâu dễ, e khó hơn học tiếng Đức.

Các bác gái không có vấn đề về ngôn ngữ. Họ có thể mua thịt ba rọi ở quầy thịt tươi bằng ra dấu. Ngay cả số lượng. Hỏi bác nói làm sao để mua nửa ký. Bác giải quyết đơn giản. Cứ nói ein kilo rồi ra dấu cắt đôi.

Tháng Mười, 1982 có một sự kiện lớn ở Tây Đức: ông Helmut Kohl, đảng trưởng Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), chiếm đa số, hợp tác với FDP (Đảng Dân Chủ Tự Do) lên cầm quyền, làm thủ tướng Tây Đức. Tôi tự nhiên nghĩ chuyện viết chúc mừng ông Kohl, và nhân đó trình bày hoàn cảnh mình với hy vọng ông quan tâm đến người tỵ nạn, giúp cho việc đoàn tụ gia đình.

Nghĩ là làm. Tại sao không. Qua báo, tờ BILD, (tôi mua hai ngày một lần không phải vì tiết kiệm, vì giá chỉ có mấy chục xu (Pfennig), nhưng vì đọc hằng ngày không hết một tờ), tôi vẫn thường đọc được những dòng chúc mừng, đơn giản không có chi nịnh nọt, mà gần gũi, đượm tình người.

Tờ Bild, với ấn bản 5 triệu/ngày vào năm 1982, là tờ báo đường phố, có ảnh hưởng rất lớn trong giới bình dân Đức. Bild dễ đọc và tôi cắt những bài thấy thích, dán vào cuốn tập, rồi tra chữ khó, tập đọc, và tập đặt câu dạng tương tự. Tôi trốn nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con trong công việc này.

Hai tuần sau đó, tôi nhận được thư trả lời từ Văn Phòng Thủ Tướng, viết bằng tiếng Pháp như thư tôi gởi, cám ơn lời chúc mừng, và hứa sẽ can thiệp để việc gia đình đoàn tụ được thông suốt.

Chưa đầy ba năm sau, tôi gặp vợ con. Nhà tôi cho biết, tin báo về chuyến đi Tây Đức cho ba mẹ con từ UNHCR ba nơi: Thụy Sĩ, Hồng Kông và Bangkok. Ít ra, lá thư chúc mừng thủ tướng đã có tác dụng cụ thể.

Những ngày ở Norddeich trôi qua tuyệt vời. Ngày ở đây rất dài, mùa Hè ở phía Bắc Âu Châu đến 23 giờ trời vẫn còn sáng. Cuộc đời không ngắn như Wilde nói, để mà học tiếng Đức.

Giai đoạn mới bắt đầu học, đọc được một bài báo thông suốt, coi TV và theo dõi rốt ráo một phóng sự… sung sướng y như tìm ra lời giải một bài toán đeo đẳng cả tuần.

Bastian Sick, ký giả, vừa là nhà phân tích ngôn ngữ Đức có nói:

Englisch ist der Wolkswagen unter der Sprachen, Deutsch der Rolls-Royce.

(Tiếng Anh là xe Wolkswagen trong các ngôn ngữ, tiếng Đức là xe Rolls-Royce)

Tôi thích câu này dù chưa một lần lái xe Rolls-Royce.

Frankfurt, Germany

 

MỚI CẬP NHẬT