Sunday, December 17, 2023

Còn một Saigon như thế!

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

“ai thiếu thì lấy, ai dư thì cho,” (Hình: Thận Nhiên)

Lê Thí

Chỉ nghe những thông tin có tính chất nhất thời, những người ở nơi khác hay chỉ đến thoáng qua vội vã rồi đi, mỗi lần nghĩ về Sài Gòn người ta vẫn hay… ngại ngùng, nào là Sài Gòn triều cường, Sài Gòn ngập, Sài Gòn cướp giật, Sài Gòn tắt đường đến độ chỉ… nhúc nhích, Sài Gòn ô nhiễm…

Để hiểu được Sài Gòn, để rồi yêu mến cái thành phố này, cũng giống như để hiểu một người con gái đẹp cần phải có thời gian để tiếp cận, đủ một độ “chiêm nghiệm” nhất định!

Người ta vẫn sợ những ngày Sài Gòn Tháng Tư, Tháng Năm nắng “bể đầu.” Nhưng ở cái xứ nhiệt đới này nơi nào không nắng bể đầu. Đà Nẵng, Huế còn có cả cái nóng của gió Lào (phơn) kinh khiếp suốt ngày đêm có khi từng đợt kéo dài cả một tuần hay 10 ngày.

Sài Gòn chỉ nắng bể đầu vào buổi trưa. 3 giờ chiều trở đi là đã bắt đầu dịu bớt, lại càng dịu mát hơn từ những cơn mưa vội vàng vào buổi chiều, cuốn trôi cả bụi bặm và nắng nóng làm người ta dễ quên mất cái nắng nóng ghê khiếp trước đó. Và có khi nửa đêm thức giấc phải kéo chiếc chăn mỏng đắp hờ cho… đỡ lạnh!

Sài Gòn không có mùa Đông rét mướt như Hà Nội, Huế hay Đà Nẵng. Nhưng vẫn có những buổi sáng trời “se lạnh” đủ để thấy trên đường có nhiều áo ấm, gợi nhớ (và cả việc tìm lại) những ngày mùa Thu, mùa Đông của Hà Nội hay miền Trung cho những người vốn “hoài cảm” về quê nhà nơi là những xứ sở “có một mùa Đông lạnh” ở phía Bắc đèo Hải Vân!

Có lẽ trên cả nước không đâu như Sài Gòn nhiều những quán cơm 2,000 đồng dành cho người lao động nghèo, những thùng trà đá miễn phí đặt dưới gốc cây những ngày nắng nóng. Người xứ khác đến Sài Gòn sẽ ngạc nhiên với những quầy áo quần cũ “ai thiếu thì lấy, ai dư thì cho,” những thùng tiền lẻ 5,000 với dòng chữ “ai đang khó khăn thì lấy ba tờ, ai muốn góp thì tự ý bỏ vào…” những quán hớt tóc miễn phí, những quán cà phê chỉ cần uống một ly nhưng ngồi… cả buổi, uống trà đá vô tư, quầy hàng xem thoải mái rồi… đi vẫn thấy cô nhân viên mỉm cười cám ơn…! Vân vân và vân vân!

Sài Gòn không thiếu những chuyện anh thợ hồ, bác xe ôm mua “chịu” giúp người bán vé số 5, 10 tờ khi gần đến giờ xổ mà xấp vé số vẫn còn quá dày: Tui mua cho mấy tờ nhưng giờ chưa có tiền. Cứ giữ vé số mai mang lại, lấy tiền. Mai trúng trật không cần biết, cứ trả tiền. Còn người bán vé số xổ xong dầu thấy vé trúng mai vẫn mang đến giao vì: “Vé ni họ đã mua rồi.” Có nơi nào mua bán bằng lòng “nhân” và chữ “tín” như ở đây!

Hay chuyện một ông giàu sụ đi xe hơi dừng lại lấy môt chai sâm lạnh miễn phí bên đường uống thoải mái trong sự ngơ ngác của những người xung quanh. Uống xong còn lấy thêm một chai bỏ vào xe, sau đó tìm chủ của thùng sâm lạnh miễn phí “năn nỉ” để được góp một tí “công đức” bằng mấy tờ “bạc xanh.” Chủ thùng sâm lạnh cương quyết từ chối vì một lý do rất đơn giản: “Trời đất! Nấu cho nhà uống, tiện soong nồi nấu luôn mời bà con qua đường thôi mà!”

Ai đã từng nhờ người Sài Gòn chỉ đường mới thấy hết “chất Sài Gòn,” vừa cụ thể vừa ngộ nghĩnh vừa chí tình: Chỉ đi chỉ lại cho thật kỹ để không còn có thể quên; không mở miệng nhưng chỉ vào tấm bảng ghi cụ thể để bên cạnh: Ví dụ: Chùa X. nhà thầy Y. đi 100 mét rẽ trái chạy thêm 30 mét, thấy cổng xanh, vàng, đỏ…!

Sài Gòn không thiếu chuyện người lượm ve chai đến ăn ở quán cơm từ thiện 2,000 đồng, đến cuối tháng mua bao gạo, mấy chai nước mắm, chai dầu xin góp vào. Chủ quán vừa rưng rưng vừa nói lớn như quát: Lần này thôi nhé, lần sau không nhận!!

Sài Gòn là vùng đất “tụ”nên ở đây có thể thưởng thức món ăn của đủ mọi địa phương, nghe đủ kiểu giọng nói, biết đủ kiểu phong tục. Sài Gòn vì thế cũng là nơi thuộc loại hàng đầu cả nước về các cuộc họp đồng hương đầy nghĩa tình, nơi gom góp “yêu thương” gửi về quê nhà: xây nhà tình nghĩa, học bổng khuyến học, xóa đói giảm nghèo…

Sài Gòn thuộc loại hàng đầu cả nước của các chuyến hàng cứu trợ tỏa đi khắp nước sau mỗi mùa bão lụt.

Mặc dù bị đối xử “bạc” nhưng Sài Gòn vẫn luôn “bao dung”: Đám dân “tứ xứ” góp một phần không nhỏ cho những “mặt trái” của vùng đất “tụ” này: Sài Gòn luôn “gồng mình vì: ngập, ô nhiễm, tắt đường, nhà ổ chuột, đòi nợ thuê, cho vay nặng lại, tệ nạn…

Nhưng cũng đám dân “tứ xứ” lại cũng đối xử rất “bạc” với Sài Gòn. “Thành phần nào Sài Gòn cũng chứa: Thất nghiệp vô Sài Gòn tìm việc làm, học xong ở lại Sài Gòn, thất tình bỏ vô Sài Gòn, trốn nợ vô Sài Gòn; muốn làm ăn lớn vô Sài Gòn… Sài Gòn cho công việc, cho công danh, sự nghiệp, cho nhà cửa, xe cộ, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái…

Nhưng đến Tết lại lục tục bỏ Sài Gòn… về quê! Con cái sinh ra ở Sài Gòn được Sài Gòn cưu mang bảo bọc, dạy dỗ nên người nhưng bố mẹ lại dạy con “Sài Gòn là đất khách quê người, đừng quên quê hương bản quán.”

Muốn biết Sài Gòn yên bình như thế nào chỉ cần lấy xe chạy một vòng khắp thành phố vào… chiều 30 Tết!

Thế nhưng Sài Gòn vẫn không giận dỗi. Sau Tết những người “tứ xứ” ở “bạc” lại lục tục quay về. Sài Gòn vẫn tươi cười dang hai tay chào đón và oằn mình cho những khó khăn!

Có hiểu như vậy mới “tha thứ” cho Sài Gòn ngập, Sài Gòn triều cường, Sài Gòn nhúc nhích… để mà thương mà yêu thêm cái thành phố… bao dung này!

Sài Gòn là vậy. Nhưng không vì vậy mà “lớn lối” với Sài Gòn dù Sài Gòn đang… bệnh nặng!

MỚI CẬP NHẬT