Sunday, December 17, 2023

Bóng dáng quê hương ở những chặng đường đi qua

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Chân Tín Hải

Biển Lăng Cô hình vòng cung cát mịn trắng ngà. (Hình minh hoạ: VN Express)

Tôi lên đường đi Nha Trang. Thời đó, chỉ có hai phương tiện giao thông: đường bộ xe đò và máy bay chỉ độc nhất một hãng Air Viet Nam. Còn xe lửa đã bị gián đoạn vì phá hoại của du kích cộng sản, xe lửa chỉ chạy những đoạn đường ngắn thôi.

Tôi chỉ thích đi xe đò vì được ngắm cảnh. Vậy mà đêm trước khi đi, Trọng Ni vào phòng trao cho tôi một bì thư mở ra là một vé máy bay khứ hồi. Tôi giật mình hỏi Trọng Ni “Ai mua vé cho tôi vậy? không được đâu, mình chỉ thích đi xe đò vì đâu có gấp.”

Trọng Ni bảo mẹ mua cho ông. Tôi lại ái ngại vô cùng, đi ra gặp bà đang ngồi trong phòng ăn, bà đã lên tiếng trước “Cháu đừng ngại. Thầy Cung tự ý đi mua đó, thầy nói đi cho nó khỏe. Thầy muốn tặng cháu làm quà.”

Tôi chỉ còn biết ấp úng cám ơn, nhưng vẫn từ chối “Cháu phải ghé về quê thăm má cháu và gia đình trước. Có khi má cháu đi theo vào thăm con.” Tôi biết vé có thể trả lui không mất tiền. Bà Cung ngồi nghe có lý quá “Cháu cứ giữ cho vòng về.”

Ngồi trên xe tôi cứ suy nghĩ sao gia đình thầy Cung tốt với mình quá. Chuyện dạy kèm bé Thủy đã có lương, ăn ở không tính tiền, tình cảm coi như con trong nhà. Miên man nghĩ ngợi xe đến Lăng Cô, một làng chài nhỏ sát dưới chân đèo Hải Vân.

Biển Lăng Cô hình vòng cung cát mịn trắng ngà. Ngoài khơi, lúc nào cũng có những cái lưới đánh cá thật lớn đang nằm phơi trên trời chờ nước thủy triều lên là được hạ xuống. Những chiếc thuyền con một người chèo cứ đi vòng quanh mãng lưới đập vào mạng thuyền gây tiếng động cho cá dồn vào bên trong. Thuyền đi hết một vòng lưới được kéo lên.

Những chuyến xe như hôm nay phải chờ giờ lên đèo, nên tôi thả bộ ra ngồi trên bãi quan sát. Người dân ở đây thật nghèo. Những căn nhà lá lụp xụp ven bờ biển không đủ cao cho một người đàn ông như tôi bước vào phải cúi thấp xuống. Cũng có những hàng quán buôn bán thức ăn cho khách qua đường.

Nhưng Lăng Cô đẹp. Vịnh Lăng Cô bao phủ bởi dãy núi vòng cung về phía Tây, điểm gặp nhau của núi và biển là đèo Hải Vân. Xa xa nhìn chếch về hướng Bắc, thấp thoáng nóc chuông nhà thờ đủ nhú lên khỏi những ngọn cây.

Những chuyến xe mà ngồi chờ lâu ở vịnh Lăng Cô, khi lên đỉnh đèo không có thời gian ngồi lâu trên đỉnh vì nhằm giờ xe xuống. Vì vậy, tôi lợi dụng thời gian đi dọc theo bãi biển đắm mình trong cảnh yên tĩnh lạ thường, ngoài tiếng gió vi vu trong những rặng dương liễu, thỉnh thoảng mới nghe tiếng xe vượt qua trên đường cái.

Biển thật cạn, những đứa trẻ lội ra thật xa mà vẫn đứng tới bụng. Lom khom những chiếc nón lá của những người đàn bà đang mò ốc. Tôi nhìn đến tận gác chuông nhà thờ mong được nghe hồi chuông nhưng vô ích hình như đã lâu lắm không còn sinh hoạt nữa.

Tôi nghe tiếng một người đàn bà mời mua ốc hút “Mời thầy không mấy khi về đây, mua cho con vài lon ốc hút, ngon ngọt lắm.”

Tôi đã quen nghe những lời rao mời của những người buôn gánh nên quay lại trả lời: “Chị ơi, tôi đáng tuổi của em chị mà còn là học trò, chị đừng gọi bằng thầy và xưng con, tội nghiệp tôi lắm.”

Tôi cười nhẹ cho chị thấy mình không nói đãi đưa. Nhưng chị ta vẫn theo thói quen xưng con với thầy. Chị đưa ra một rổ ốc xoắn đã luột với mấy cây gai bưởi. Tôi đang tìm cách từ chối thì tài xế gọi hành khách lên xe. Tôi móc vội mấy chục tiền lẻ trong túi đưa cho chị: “Chị cầm lấy mua kẹo cho con nghe.” Xe chạy chị vẫn đứng trông theo.

Quanh co vài vòng trên đèo, trước mắt lại hiện ra vịnh Lăng Cô; nhìn từ trên xuống càng thấy đẹp. Bãi biển cát trắng ngà bây giờ là hình một giải lụa vắt dọc theo biển xanh. Những làn khói bay lên từ những túp nhà nhỏ. Nghèo nhưng thanh bình. Tôi nghĩ đến chiến tranh đang ngày càng rộng, không biết vẻ đẹp nên thơ hồn nhiên này tồn tại đến bao giờ.

Quả thật như tôi nghĩ, khi còn đang ngồi trên bãi cát Lăng Cô lên đến đỉnh vừa vặn giờ xuống đèo. Tôi không có cơ hội đến ngồi trên hòn tri ngộ. Xoay người ngóng lên đỉnh Chân Mây vẫn mây kia quấn lấy chân đỉnh và đang chảy xuống thấp. Lại biển mênh mông hiện ra trước mặt; biển Đà Nẵng.

Ngọn đảo Sơn Trà như một con voi lớn ngâm mình dưới nước. Xa tít chân trời đã thấy dãy Non Nước (Ngũ Hành Sơn) nơi có nhiều hang động và nhiều ngôi chùa xưa trong đó chùa Tam Thai nổi tiếng qua các thời đại do những vị chân tu ở ẩn. Những vòi thạch nhũ vẫn còn hoạt động cho những giọt nước trong lành từ trong đá tiết ra.

Tôi đã có lần theo đoàn người hành hương hứng những giọt nước này uống mát lịm. Trong lòng Ngũ Hành Sơn có một cái động thật lớn với một bức tượng Đức Quan Thế Âm từ thế kỷ 19, nét mặt của Ngài đẹp quá chừng. Một hang động nữa thông đến đỉnh núi gọi là đường lên trời.

Trong những hang động, có những cảnh trên tường đá vôi do thạch nhũ tạo ra những hình con hạc thật giống. Còn có những bàn cờ tướng từ vài ba trăm năm mà người dân gọi là cờ tiên. Bên ngoài dù cho trời có nắng nóng bao nhiêu khi bước chân vào đến cửa hang mình đã hưởng được những luồng gió mát lạnh từ trong thổi ra.

Cái lạ là du khách không cảm thấy tiếng gió thổi quạt vào mặt vào người. Khắp nơi dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, những trại lợp bằng lá dừa khô sẽ thấy không biết cơ mang nào là hình tượng tạc bằng đá. Những người thợ tạc tượng điêu luyện đến nỗi những đường nét người hay súc vật thật giống, mềm mại, sắc sảo.

Tại sao tôi gọi họ là những người thợ mà không gọi là nghệ nhân hay điêu khắc gia? Bởi vì họ không học ở trường nào ra hết. Nghề của họ như là cha truyền con nối từ nhiều đời. Sẽ không ngạc nhiên đứng nhìn những đứa bé khoảng mười đến mười lăm tuổi ngồi tạc những bức tượng người hay những vị Bồ Tát, vị Bụt… bằng những dụng cụ như cái đục cái búa rất nhanh và chính xác, không bị sức mẻ. Sau một lúc từ một tảng đá mình đi trở lại bức tượng đã có dáng y hệt trong chiếc ảnh chụp làm mẫu đặt bên cạnh. Họ lao động rất cực nhọc, mồ hôi nhễ nhại, áo quần đầy bụi, trông nghèo thật.

Lao động nặng nhọc để có những tác phẩm nghệ thuật cho đời. (Hình minh hoạ: VN Express)

Nhìn những bức tượng đã thành hình trưng bày cho khách hàng, rồi nhìn những người thợ tạc đục đẽo hai hình ảnh rõ rệt: lao động nặng nhọc để có những tác phẩm nghệ thuật cho đời.

Những lần trước đến đây có người đã hỏi tôi: Vậy thì nghệ thuật nằm ở đâu khi con người lao động bị nghệ thuật lợi dụng? Tôi đã có câu trả lời: Nghệ thuật tự nó vẫn là nghệ thuật nhưng cái xấu là những người lợi dụng nghệ thuật để làm giàu. Khi người ta đem những tác phẩm nghệ thuật về nhà chưng cho đẹp, chủ nhân chỉ thấy nghệ thuật chứ không thấy người lao động. Một điêu khắc gia sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật do chính bàn tay và khối óc mình tạo ra, có khi tác phẩm thành hình trong thời gian dài giá trị nó nhiều lần hơn nhưng cái đó thuần tuý nghệ thuật.

Quê hương tôi nhiều địa danh và chứng tích lịch sử như những phần khác của nước mình, kể không hết. Nước mình có một bề dày lịch sử, tuy không để lại những chứng tích lịch sử đồ sộ như những nước Tây Phương nhưng trong tâm khảm người Việt mình vết tích còn in đậm qua những truyền thuyết, những mẫu chuyện truyền khẩu, những văn hoá địa phương, những địa danh, những câu ca dao dân gian… không biết cơ man nào mà kể cho hết. Trong thời xa xưa của mình thỉnh thoảng có những bất chợt đến trong trí nhớ, tôi lại ghi xuống.

Xe đi qua những nơi quen thuộc, xe lần vào gần thành phố nhưng chỉ chạy qua bên ngoài không vào bên trong vì chuyến xe chạy suốt Huế – Nha Trang.

Tôi phải dừng để về quê thăm mẹ một vài ngày, khi trông thấy rặng núi phía Tây mang tên Phước Tường là tôi biết đã gần đến nơi tôi phải xuống. Lần nào cũng vậy, về gần đến nhà lòng rộn rã, trên con đường quê thấp thoáng con sông đào tôi chợt nhớ toán sinh viên Y Tế Công Cộng lần trước mình gặp. Hình ảnh của họ trở về và ý muốn trở thành con người như họ thôi thúc tôi trong chuyến đi này thế nào cũng vào tận Sài Gòn.

Con đường tôi đi chuyến này còn dài và sẽ qua nhiều địa danh miền Trung, tôi sẽ lần lượt ghi xuống cùng những câu chuyện lịch sử liên quan.

MỚI CẬP NHẬT