Sunday, December 17, 2023

Tàu Mỹ ‘tự do hải hành’ ở Trường Sa khi Mỹ-Trung họp về Biển Đông

BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) – Tàu Mỹ “tự do hải hành” ở Trường Sa khi Mỹ và Trung Quốc “thảo luận thẳng thắn” về các hành động “nguy hiểm” và “bất hợp pháp” ở Biển Đông.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra bản thông cáo báo chí nói rằng, ngày 3 Tháng Mười Một, ông Mark Lambert, phối trí viên các vấn đề Trung Quốc, đã họp với ông Hong Liang (Hồng Lương), vụ trưởng Vụ Biên Giới và Hải Dương của Trung Quốc, về các vấn đề liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông.

Khu trục hạm USS Dewey “tự do hải hành” gần bốn đảo tại quần đảo Trường Sa ngày 3 Tháng Mười Một. (Hình: US Navy)

Bản thông cáo vừa kể không nói cuộc thảo luận diễn ra ở đâu nhưng tờ South China Morning Post nói rằng cuộc họp diễn ra ở Bắc Kinh. Điều đáng lưu ý là khi có cuộc họp diễn ra thì cùng ngày này, khu trục hạm trang bị hỏa tiễn hành trình của Hạm Đội 7, USS Dewey, đã tiến hành chuyến “tự do hải hành” bên trong phạm vi 12 hải lý của một số đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Cuộc họp ở Bắc Kinh diễn ra tiếp theo chuyến đi Washington của ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, để sắp xếp cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, với ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, khi ông Tập đến San Francisco, California, dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào giữa tháng này. Vào lúc đó cũng đã có cuộc họp giữa ông Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, và ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, với ông Vương Nghị.

Khi ông Lambert đến Bắc Kinh, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho hay hai bên “thảo luận thẳng thắn” về nhiều vấn đề hàng hải “gồm cả tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông.” Mỹ lặp lại sự cần thiết kênh tiếp xúc quân sự hầu tránh thông tin giả và tính toán lầm lẫn. Điều này hàm ý có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Dịp này, nước Mỹ nhấn mạnh sự quan tâm của họ đối với các hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” của lực lượng Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm cả việc tàu Hải Cảnh Trung Quốc cản trở tàu tiếp tế của Philippines tiếp cận nhóm Thủy Quân Lục Chiến đồn trú trên một chiếc hải vận hạm tại bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal) ngày 22 Tháng Mười, rồi lại cản trở máy bay Mỹ ngày 24 Tháng Mười.

Trong khi đó, Bộ Tư Lệnh Hạm Đội 7 loan báo khu trục hạm USS Dewey “khẳng định quyền tự do hải hành” ở khu vực quần đảo Trường Sa, “phù hợp với luật lệ quốc tế.” Bản tin chỉ nói tàu này “đi ra khỏi khu vực tuyên bố chủ quyền quá đáng,” tức trái với luật lệ quốc tế rồi tiếp tục hành trình tại Biển Đông.

Bản tin của báo Stars and Stripes của quân đội Mỹ nói rõ hơn, cho biết khu trục hạm Dewey đi vào phạm vi 12 hải lý của bốn đảo gồm đảo Thái Bình (Itu Aba) hiện do Đài Loan trấn giữ, đá Núi Thị (Petley Reef) do Việt Nam trấn giữ, đảo Sơn Ca (Sand Cay) Việt Nam trấn giữ, và đảo Loại Ta (Loaita) do Philippines trấn giữ.

Những đảo này và các đảo và bãi đá ngầm khác là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia. Mỹ không phải là nước tranh chấp chủ quyền với các nước khác tại Biển Đông nhưng không chấp nhận tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là của các nước ở khu vực mà Mỹ coi là quá đáng, trái với luật lệ quốc tế.

Hải Quân Mỹ đã rất nhiều lần cho chiến hạm đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo và bãi đá ngầm tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chứng tỏ các vùng biển này là vùng biển quốc tế nên có quyền “tự do hải hành” mà không nước nào có quyền cản trở. Mỗi lần chiến hạm Mỹ tới gần các vị trí do mình trấn giữ, Trung Quốc đều cho chiến hạm bám theo rồi hô hoán đã đuổi tàu Mỹ đi khỏi, trong khi Mỹ nói rằng đó chỉ là lời tuyên truyền của Bắc Kinh, trái với thực tế.

Tàu tiếp tế nhỏ bé của Philippines bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc cản đường ở khu vực bãi Cỏ Mây. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Cũng trong ngày 3 Tháng Mười một, nguồn tin quân sự Canada nói rằng máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã hai lần bắn hỏa pháo chận đầu một máy bay trực thăng của Canada bay trên vùng biển quốc tế, cách quần đảo Hoàng Sa 34 dặm, rồi 23 dặm, hôm Chủ Nhật, 29 Tháng Mười.

Hai ngày trước đó, khu trục J-11 Trung Quốc đã bay chỉ cách pháo đài bay B-52 của Mỹ có 10 foot (3 mét) khi phi cơ Mỹ bay trên Biển Đông. Nguồn tin quân sự Mỹ thì nói máy bay của họ bay trên vùng biển quốc tế đã bị máy bay khu trục Trung Quốc “với vận tốc không kềm chế, bay bên dưới, bay phí trước chỉ cách B-52 có 10 foot, làm cả hai máy bay có nguy cơ đụng nhau.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng “Máy bay quân sự Mỹ bay hàng ngàn dặm tới trước cửa nhà Trung Quốc biểu diễn cơ bắp.” Bắc Kinh coi Biển Đông và biển Hoa Đông như “ao nhà” của họ nên diễu võ dương oai xua đuổi chiến hạm cũng như phi cơ các nước ngoài khu vực để chứng tỏ sức mạnh của ông trùm, không nể mặt Mỹ hay lực lượng các nước khác.

Biển Đông được ví như một vạc dầu chỉ cần một tia lửa là thảm họa xảy ra. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT