Sunday, December 17, 2023

Tháng Chín, nhớ Nguyễn Xuân Hoàng

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từ giã cõi đời vào ngày 13 Tháng Chín, 2014. Đã chín năm!

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tại San Jose, California, năm 2012. (Hình: Người Việt)

Còn nhớ, vào đầu Tháng Bảy, 2013, giữa lúc anh chị em văn nghệ sĩ từ các nơi quy tụ về Orange County, đang hào hứng đợi chờ khai mạc buổi hội thảo hai ngày (6 và 7 Tháng Bảy, 2013) về Tự Lực Văn Đoàn thì đột nhiên nhận được một hung tin khiến ai nấy bàng hoàng: nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, người điều hợp chính buổi hội thảo, không về dự được, vì bị Sarcoma, ung thư cột sống. Vé máy bay anh đã mua rồi phải trả lại.

Kể lại chuyện này khi nằm trên giường bệnh, anh viết: “Tôi phải xuống Quận Cam (…) bởi vì ngoài chuyện sẽ gặp lại bạn bè từ lâu không gặp – mà không biết còn có dịp nào gặp nữa không? – còn là dịp hiểu thêm về những tác giả mà tôi đã đọc thiếu chiều sâu. Sẽ thấy được hai tạp chí Phong Hóa, Ngày Nay, sẽ nhìn chiếc áo dài Le Mur, sẽ nghe những bài nhạc đầu tiên của Việt Nam trên Ngày Nay, sẽ ít nhất xem được vở kịch trong sự hình thành của phong trào kịch mới Việt Nam, cả tranh bìa, hí họa, minh họa của báo Phong Hóa, Ngày Nay thuở đó… Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo Sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam, ông Kawaguchi Kenichi, giáo sư danh dự Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo, Nhật Bản, nói về Tự Lực Văn Đoàn và Văn Học Cận Đại Việt Nam, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư Đại Học Victoria, Melbourne, Australia: đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn. Đó là chưa kể được nghe Đỗ Quý Toàn, Trần Huy Bích, Trần Doãn Nho, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Ngự Thuyết cung cấp cho tôi những cái nhìn khác về Tự Lực Văn Đoàn mà tôi thiếu sót. Tôi đã lỡ một cái hẹn mà tôi mong ước.” (*)

***

Biết nhau từ trước năm 1975 lúc anh làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn (Sài Gòn), nhưng chỉ khi qua Mỹ định cư, tôi mới có dịp gặp anh. Chúng tôi giao du với nhau khá thân. Anh là người viết lời “Bạt” cho tập truyện ngắn thứ hai của tôi, “Căn Phòng Thao Thức,” do Thanh Văn xuất bản năm 1997. Ngoài ra, anh, thay mặt cho tạp chí Văn (hải ngoại), cùng với Nguyễn Mộng Giác, tạp chí Văn Học, và Phạm Phú Minh, tạp chí Thế Kỷ 21, đứng ra tổ chức buổi ra mắt sách giới thiệu bốn tác phẩm của tôi tòa soạn nhật báo Người Việt (Orange County) vào Tháng Mười Một, 1999.

Tháng Tám, 2013, khi nghe tin anh bị bệnh, tôi hợp tác với Ban Biên Tập tạp chí mạng Da Màu thực hiện “Chuyên Đề Nguyễn Xuân Hoàng,” ghi nhận công lao đóng góp của anh cho nền văn học nước nhà. Tháng Tám, 2014, nghe tin anh yếu hẳn, tôi bay từ Boston, Massachusetts, về San Jose, California, cùng anh Lữ Quỳnh đi thăm anh tại nhà. Một tháng sau đó, anh ra đi.

Là một trong những nhà văn lớn của Văn Học Miền Nam và Văn Học Hải Ngoại, Nguyễn Xuân Hoàng viết nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài, đoản văn, tùy bút, tạp ghi và thỉnh thoảng, thơ. Trong những năm tháng cuối đời, do phải phụ trách tờ Văn và điều hành thêm hai tạp chí khác, anh ít sáng tác. Thay vào đó, anh viết “Sổ Tay” và biến cách viết này thành một thể loại đa dạng và phong phú trên tạp chí Văn cho đến ngày anh tự ý đình bản vào năm 2008. Nhớ anh, tôi nhớ Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng. Xin lược ghi lại vài nét.

Cuốn tiểu thuyết “Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. (Hình: Thái NC cung cấp)

Sổ Tay trước hết là sự kiện: xã hội, văn học, chính trị, bóng đá, thời tiết, ra mắt sách, tác phẩm mới, tác giả mới, phim mới… Lan man. Tản mác. Rời rạc. Nhưng đầy hơi thở, đầy hiện thực: gặp bạn bè ở Paris, ở Houston, ở Sài Gòn, lụt ở miền Trung năm 1999, ra mắt sách người này người nọ, những người bạn đến thăm, những người bạn đau, những người bạn qua đời, những chuyến đi, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Orange County, những tác phẩm vừa xuất bản, cảm giác về những ngày mưa, ngày nắng, ngày tuyết, về giải bóng đá thế giới, về chuyến đi của Clinton sang Tàu, vân vân…

Sổ Tay là những hồi ức sống động.

“Một buổi tối, trong căn phòng hẹp nằm sau ‘ngõ hẻm’ Song Long, chủ nhà Mai Thảo tiếp Thụy Khuê, Bùi Bảo Trúc, vợ chồng nhà báo Đỗ Ngọc Yến, vợ chồng luật sư Đỗ Xuân Hòa, Khánh Trường… Nhà có ba chiếc ghế. Khách ngồi bệt xuống sàn, xung quanh là những cuốn sách, những chai rượu. Mọi người nói đủ thứ chuyện: cuộc sống, văn chương, thời sự… nhưng tuyệt nhiên không ai nói về sức khỏe của Mai Thảo và Khánh Trường. Từ gần một năm nay, cả hai nhà văn này không khỏe. Khánh Trường luôn cười nói, lạc quan hơn một người có sức khỏe bình thường. Thế nhưng, người ta biết ông đang bị sa sút về thể lý. Trong một tháng, hơn ba lần Khánh Trường vào bệnh viện. Có đôi lúc, tiếng nói ông thấp xuống, không còn cái ‘ồn ào sang sảng’ mỗi khi trêu ghẹo bạn bè. Rõ ràng là Khánh Trường không muốn nói và cũng không muốn nghe ai nói về tình trạng sức khỏe của mình. Còn Mai Thảo, chuyện di chuyển của ông đã bắt đầu khó khăn. Ăn rất ít. Chỉ những giọt rượu là những thang thuốc bổ còn giữ được ông ở lại với chúng ta.” (Văn, Tháng Bảy, 1997)

Sổ Tay là những nhận xét cô đọng về người, về văn.

Cái chết của một người bạn: “Tối thứ hai 24 tháng Năm, Phạm Phú Minh từ quận Cam gọi lên San Jose cho biết Lê Đình Điểu đã từ giã bạn bè ra đi. Giờ đó tôi vẫn còn ngồi trong tòa soạn. Đồng hồ chỉ 10 giờ hơn. (…) Điểu là người không hút xách, không rượu chè, không bài bạc, anh sống ngăn nắp và đàng hoàng. Sống ngăn nắp và đàng hoàng là một điều rất khó trong đời sống của chúng ta.” (Văn, Tháng Sáu, 1999)

Chuyến đi của đức Đạt Lai Lạt Ma ở Orange County: “Sự đơn giản chinh phục người ta dễ hơn là sự bác học. Và bất cứ ngôn ngữ nào bắt được hơi thở của đời sống đều dễ mở cánh cửa của trái tim ta hơn. Tuy nhiên, đừng hiểu sự đơn giản với điều thông tục.” (Văn, Tháng Bảy, 1997)

Chữ nghĩa Nguyễn Văn Sâm: “Nguyễn Văn Sâm đã nhìn Sài Gòn từ cái phía trái của nó. Bóng tối và sự khốn khó. Sài Gòn của mồ hôi và nước mắt. (…) Nguyễn Văn Sâm là người kể chuyện hơi rề rà nhưng có duyên.” (Văn, Tháng Tư, 2000)

Một nhà thơ đã mất: “Cao Đông Khánh là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam. Chữ nghĩa trong tác phẩm ông cũ một cách rất mới, nồng nàn và sôi nổi, say sưa và mê sảng. Ông có đôi mắt của một vị thần lưu linh, và có lối đọc thơ của một người đồng thiếp.” (Văn, Tháng Bảy, 1997)

Một cây bút nữ, Dương Như Nguyện: “Một lối đi gai góc mà kiêu hãnh. Cô viết như người đi trong rừng với chiếc dù dự dạ hội, cô Tây phương hóa trong một thân xác rặt Á Châu.” (Văn, Tháng Giêng, 2001)

Sổ Tay là những dòng bút ký cô đọng.

Về thăm lại quê sau hàng chục năm xa vắng, anh nhìn thấy Nha Trang là “Một thành phố gập ghềnh. (…) Thành phố có bộ mặt cau có.” (Văn, Tháng Mười Một, 2001). Còn Sài Gòn thì “Sài Gòn ngày xưa đã bị xóa hết. Xóa hết những con đường, hàng cây. Xóa hết hơi thở của những trận mưa đầu mùa. Xóa màu nắng. Xóa bóng mây. Xóa trí nhớ của ai.” (Văn, Tháng Mười Hai, 2001)

Cũng thật bất ngờ, qua Sổ Tay, tôi giật mình khi đọc lại (đúng ra là đọc lần đầu, vì trước đây quên… đọc) một nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc khi trò chuyện với Nguyễn Xuân Hoàng về nguyên nhân tại sao nền văn học Việt Nam (trong nước) vẫn chậm, còn chậm và cứ chậm: “Vì mình có một nhược điểm rất lớn, đó là lớp người cầm bút trẻ hiện nay trong nước không được chuẩn bị một nền văn hóa cơ bản. Họ thiếu một cái base, nên họ không thể có những bước đột phá, không thể đi xa được.” Ông nhắc đến trường hợp của nhà thơ Bùi Giáng, và ông cho rằng tài năng của Bùi Giáng rất khác với các tài năng phía Bắc, bởi vì ngoài tài năng trời cho ra Bùi Giáng còn có một nền tảng triết học căn bản. (…) Nền giáo dục Việt Nam phía Bắc suốt mấy mươi năm nay hoàn toàn không dạy triết học. Ngay cả môn chủ nghĩa Mác-Lê Nin, cũng không được dạy như một hệ thống triết học. Người ta chỉ dạy chính trị thôi.” Và ông tiếp, như thế thì văn học khó mà có được những đột phá mới, mặc dù cũng không thể đoán trước được những trường hợp bất ngờ. Như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và sau đó là Bảo Ninh. Tuy nhiên, vẫn theo ông, cho dù có những bất ngờ như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh đi nữa thì vẫn có một quy luật, nếu thiếu cái căn bản văn hóa làm nền tảng ấy, thiếu cái kiến thức (triết học) của một người cầm bút, tài năng chưa đủ để đưa ngòi bút kia đi xa hơn.” (Văn, Tháng Sáu & Tháng Bảy, 2003)

Nhận định của Nguyên Ngọc cực kỳ hữu lý!

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. (Hình: Cường Trần San Jose)

Sổ Tay cũng là nơi của bạn bè văn nghệ, bạn cũ bạn mới bạn trong nước bạn ngoài nước bạn quen lâu bạn mới quen. Bạn, chao ôi là bạn. Ở đâu cũng có bạn, đi tới đâu cũng bạn. Đầy ắp bạn. Bạn, tự nó cũng là một thứ văn chương. Cái thế giới bạn bè của Nguyễn Xuân Hoàng cũng là thế giới của văn chương. Anh gặp bạn anh sống bạn anh uống bạn anh viết bạn…

Nếu tôi đoán không lầm thì hầu hết những khuôn mặt viết lách mới cũ gần xa đều được Sổ Tay nhắc đến, cách này hay cách khác. Những câu chuyện xoay quanh bạn bè đôi khi không là văn chương, chưa là văn chương. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu không có bạn bè, thì văn chương (tôi tự hỏi) sẽ nằm… ở đâu!? [qd]

Chú thích: (*) Tự Lực Văn Đoàn – thêm một lần lỡ hẹn! (VOA, 9/7/2013): www.voatiengviet.com/a/tu-luc-van-doan-them-mot-lan-lo-hen/1697537.html


Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 Tháng Bảy, 1940, tại Nha Trang (Khánh Hòa), tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Triết, dạy Triết tại trường các trường trung học Sài Gòn. Trước 1975, thư ký tòa soạn tạp chí Văn (Sài Gòn). Năm 1985, định cư tại Hoa Kỳ, đảm nhiệm vai trò tổng thư ký hay chủ biên của nhiều báo và tạp chí xuất bản ở hải ngoại: Người Việt, Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, Việt Mercury, Việt Tribune. Nguyễn Xuân Hoàng qua đời ngày 13 Tháng Chín, 2014, để lại nhiều tác phẩm:

Tập truyện ngắn: “Mù Sương” (1966), “Sinh Nhật” (1968).

Truyện dài: “Bụi Và Rác” (1996), “Khu Rừng Hực Lửa” (1972), “Kẻ Tà Đạo” (1973), “Người Đi Trên Mây” (1987), “Sa Mạc” (1989).

Các tác phẩm khác: “Ý Nghĩ Trên Cỏ” (1971), “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu” (Tùy Bút, 1974), “Căn Nhà Ngói Đỏ” (tạp ghi, 1989).


 

MỚI CẬP NHẬT