Sunday, December 17, 2023

Hè về

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Du khách tại hòn đảo Zakynthos của đất nước Hy Lạp. (Hình: Bích Ngọc)

Lúc bé tôi bị sún răng trước vài cái. Mỗi lần cười, gió lùa qua nướu mát rượi cả hàm, tôi cảm thấy thích thú vô cùng, tay xoa xoa cái bụng, chân nhịp nhịp, mông lắc lắc làm điệu rồi hát vang lừng:

“Kìa cái thằng Tí sún Tí sún
Nhe cái răng nham nhở chổi cùn
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi.

Anh sún ơi này nghe chúng tôi
Chăm đánh răng cười trông mới tươi
Răng với tóc là gốc con người
Răng có đẹp thì đời mới vui.

Nào có khó gì việc đánh răng
Cầm bàn chải tựa như kéo đàn
Kem rất thơm ngọt đâu có ngán
Chỉ xoẹt xoẹt mấy cái là xong.”

Bài nhạc này hầu như tất cả con nít trong xóm đều thuộc lòng nên thường nghêu ngao hát chung vì lẽ âm điệu nghe rất vui, trẻ con.

Lời nhạc vừa có tính cách răn đe bớt ăn kẹo ngọt và giáo dục phải chăm đánh răng mỗi ngày.

Tôi nhớ hồi học lớp 5, mỗi khi Hè về thi thoảng tôi được ba và bác Phú – bạn thân của ba – sắp xếp cho đàn con đi biển Vũng Tàu chơi. Bác Phú lái xe đến cổng, đám con nít rộn ràng chui vào băng ghế sau chật ních. Đứa nọ huých đứa kia tranh nhau giành ghế ngồi kế cửa sổ.

Xe chạy bon bon ra xa lộ thẳng hướng Vũng Tàu. Sài Gòn lùi dần phía sau lưng.

Xe chạy qua những cánh đồng lúa vàng trĩu nặng hạt. Hương đồng gió nội thơm nức cả mũi. Đó là lúc tôi cất “giọng gà mái” hát to. Tôi thường bị thằng Dũng, con bác Phú, ngồi kế cố tình giơ cùi chỏ thụi vào hông cho một phát đau điếng. Dũng lải nhải cằn nhằn với ba nó: “Ba ơi, con Ngọc mập này lần sau đừng cho nó theo. Nó hát mãi làm con ngủ không được.”

Bác Phú và ba tôi cười vang, xoa dịu đám con nít trong xe rằng: “Em nó hát nghe vui mà Dũng.”

Chỉ chờ người lớn nói thế là tôi ưỡn bụng tiếp tục bài hát dở dang:

“Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm, gió ru êm
Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên
Ðàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hòa thơ đón Hè sang

Hè về trong khóm trúc mềm đầu Hè
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ
Hè về gieo ánh tơ

Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng đàn chim cánh đo trời
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền ai biếng đưa
Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi
Thanh thanh hương sen nồng ướp gió mát khi chiều rơi…

Hè về, Hè về
Nắng tung nguồn sống khắp nơi
Hè về, Hè về
Tiếng ca nhịp phách lên khơi
Ðầu ghềnh suối mát
Reo vui dào dạt
Ngợp trời gió ngát
Ven mây phiêu dạt
Hồn say ý chơi vơi
Ngày xanh thắm nét cười
Lòng tha thiết yêu đời
Ðây suối trăng rừng thơ
Ðây gió nhung thuyền mơ
Ðây phím ngọc đường tơ
Ðây tứ nhạc ngàn xưa
Hè về non nước mến yêu
Hè về nắng thông reo…”

Biển xanh thẫm một màu xanh. (Hình: Bích Ngọc)

Thứ Hai đầu tuần vào sở làm, gần cuối ngày làm việc tôi nghe tiếng điện thoại kêu lách cách. Mở điện thoại nhận loạt hình các con đi nghỉ Hè ở hòn đảo tuyệt đẹp Zakynthos của đất nước Hy Lạp.

Ngắm hình thiên nhiên biển xanh bao la, dãy núi sừng sững, sóng trắng nhấp nhô theo nhau từng đợt xô vào ghềnh đá. Châu Âu vẫn đẹp muôn thuở! Biển xanh thẫm một màu xanh làm gợi nhớ kỷ niệm xưa.

Tôi nhớ bài hát “Hè Về” lúc bé thơ tôi thường nghêu ngao hát trước bãi biển Vũng Tàu, và những bài nhạc của nhạc sĩ Hùng Lân sáng tác cho miền Nam thanh bình.

Tôi nhớ hàng xóm và lũ con nít trong xóm trạc tuổi mình hay hát hò chung ngày ấy. Bây giờ áng chừng tất cả đã xấp xỉ 60 tuổi.

Không hiểu có ai đó như tôi một thoáng tiếc và nhớ những ngày xưa thân ái. Tuổi thơ của những đứa răng sún đã vụt qua mau không nhỉ?

Tôi yêu thích nhạc Hùng Lân (1922-1986), tác giả những ca khúc “Hè Về,” “Khỏe Vì Nước,” “Việt Nam Minh Châu Trời Đông,” “Tiếng Gọi Lên Đường,” “Rạng Đông”… Nhạc thiếu nhi: “Thằng Tí Sún,” “Em Yêu Ai.”

Ông cũng là một giáo sư giảng dạy âm nhạc và là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát Thánh Ca, ông cũng là tác giả đặt lời Việt cho bài “Silent Night” nổi tiếng với tựa đề “Đêm Thánh Vô Cùng.” Ngoài ra, ông cũng soạn ra nhiều sách dạy nhạc bằng tiếng Việt đầu tiên, với các bộ sách giáo khoa âm nhạc dạy ở trường phổ thông từ trước năm 1954. (Bích Ngọc) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT