Sunday, December 17, 2023

Cố tình trì hoãn đi ngủ, dấu hiệu phổ biến ngày nay

LOS ANGELES, California (NV) – Bạn có bao giờ trải qua cảm giác dù rất mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, bạn lên giường sớm, chỉ muốn cầm điện thoại và lướt mạng xã hội đọc tin tức trong vài phút rồi đi ngủ. Nhưng điều tiếp theo lại không phải như thế.

Đã hơn một giờ trôi qua mà bạn vẫn chưa ngủ được. Lúc này đã muộn hơn nhiều so với thời gian mà bạn muốn đi ngủ ban đầu. Bạn vẫn mở mắt, chú tâm vào màn hình điện thoại trong khi biết rằng ngày mai bạn sẽ mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.

Thay vì đến giờ đi ngủ, bạn vẫn “dán mắt” vào điện thoại để bù lại khoảng thời gian bận rộn trong ngày. (Hình minh họa: Roy Rochlin/Getty Images)

Đây chính là hiện tượng “revenge bedtime procrastination,” là thuật ngữ để nói về tình trạng trì hoãn giấc ngủ để “trả thù,” bù lại cho giờ nghỉ, theo trang mạng PopSugar hôm 7 Tháng Sáu.

“Revenge bedtime procrastination” là gì?

“Revenge bedtime procrastination” mô tả chu kỳ thức khuya bất tận dù cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, và bạn làm đi làm lại điều này chỉ nhằm lấy lại quyền kiểm soát thời gian và lịch trình mà bạn mất đi do công việc. Bạn cố gắng thức đến khuya, cố tình hy sinh vài giờ đồng hồ đi ngủ để đổi lấy các hoạt động giải trí cá nhân.

Theo chuyên gia nuôi dạy con cái, Reena B. Patel, tác giả cuốn sách dành cho trẻ em “Winnie & Her Worries,” khi hy sinh vài giờ ngủ, bạn sẽ dành thời gian đó cho những gì bạn muốn làm mà không thể làm trong ban ngày, chẳng hạn như xem một chương trình TV yêu thích, chơi điện tử hay mua sắm online.

Đây cũng chính là một hiện tượng đang ngày phổ biến hơn trong đời sống mà về lâu dài có thể gây ra hậu quả khôn lường, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy sự kiệt sức trong cuộc sống cá nhân và công việc của bạn.

Đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ, những giờ đồng hồ sau khi các con đi ngủ có thể là khoảng thời gian duy nhất mà bạn ở một mình. Hay như việc bạn có một lịch trình làm việc dày đặc và liên tục, thì việc nằm dài trên ghế sofa hay trên giường xem một chương trình giải trí say sưa là thời gian duy nhất để trải nghiệm sự thư giãn.

Làm thế nào để tránh rơi vào tình trạng “revenge bedtime procrastination?”

Nói thì dễ hơn là làm nhưng bước đầu tiên là khi bạn nhận ra thói quen nào khiến bạn trì hoãn giấc ngủ. Tất nhiên, bạn sẽ nhận thấy thời gian ngủ thực tế của mình bị giảm xuống, nhưng bạn cũng có thể trải qua những thay đổi về tâm trạng, mệt mỏi và cảm giác bực bội khi thiếu ngủ.

Sau khi bạn nhận ra được vấn đề và có sự thừa nhận rằng nhu cầu ngủ và nạp lại năng lượng là vô cùng quan trọng, bạn nên bắt đầu thực hành các quy tắc về lịch trình đi ngủ của mình.

Đặt hẹn báo giờ đã đến giờ đi ngủ để ngủ đúng giờ và không bị sao nhãng chuyện khác. (Hình minh họa: Jeff Pachoud/AFP via Getty Images)

“Hãy tạo ra các quy tắc để bạn cảm thấy mình có thể kiểm soát được, và nhớ là hãy tập ngủ tám tiếng mỗi đêm,” chuyên gia Reena B. Patel nói.

Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình trong việc chơi với trẻ, cho trẻ đi ngủ sớm hơn để có thời gian cho mình. Ngoài ra, bạn nên tạo ra một ranh giới rõ ràng tại nơi làm việc, cho sếp và đồng nghiệp biết rằng thời gian nhất định bạn sẽ không làm việc nữa. Bằng cách này, bạn có thể dành thời gian để làm điều gì đó phù hợp với mình, cho dù đó là xem phim, làm móng tay hay hoàn toàn không làm gì cả.

Một mẹo khác mà bạn có thể áp dụng chính là đặt hẹn báo giờ đến lúc phải ngừng bất kỳ hoạt động nào, như là xem Netflix, lướt mạng xã hội hay đọc sách, để chuẩn bị đi ngủ. Và bạn phải trung thực với chính bản thân mình khi thiết lập các nguyên tắc này. Chẳng hạn nếu bạn đặt ra quy định là chỉ xem TV trong vòng nửa tiếng thôi thì chắc chắn là phải ngưng sau khi chuông báo hết giờ.

Đồng thời, việc bạn lên kế hoạch cụ thể cho lịch nghỉ ngơi và đi ngủ sẽ như là lời nhắc nhở để bạn đi đúng hướng và dần dần hình thành thói quen cố định. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT