Sunday, December 17, 2023

6 rủi ro giày cao gót gây hại bàn chân

HOLLYWOOD, California (NV) – Giày cao gót là một phụ kiện dường như không thể thiếu trong tủ giày của chị em vì đây chính là “vũ khí” bí mật giúp bạn có vóc dáng cao ráo, quyến rũ và đẹp hơn.

Tuy nhiên, rủi ro mà giày cao gót gây hại cho sức khỏe là vô cùng lớn, đặc biệt là nếu bạn thường xuyên mang chúng, theo trang mạng Livestrong hôm 1 Tháng Mười.

Giày cao gót là một phụ kiện không thể thiếu trong tủ giày của chị em. (Hình: Amy Sussman/Getty Images)

Bác Sĩ Mark Mendeszoon, hiện làm việc tại University Hospitals Richmond Medical Center, Ohio, cho biết, từ quan điểm động học, giày cao gót được thiết kế kém và việc mang chúng có ảnh hưởng xấu đến bàn chân con người.

Theo Bác Sĩ Mark Mendeszoon, bàn chân thường cần phải di chuyển từ gót chân đến ngón chân, và để làm được như vậy, bàn chân phải nằm trên một bề mặt phẳng. Nhưng khi đi cao gót, giày cao gót sẽ buộc bàn chân vào những vị trí bất thường, làm thay đổi cơ chế sinh học của việc đi lại bình thường.

Những rủi ro nguy hại đến bàn chân từ giày cao gót:

1. Đau chân

Trong một cuộc khảo sát từ Hiệp Hội Y Học Nhi Khoa Hoa Kỳ (APMA), giày cao gót là nguyên nhân số một gây đau chân ở những người mang chúng thường xuyên, trong số đó có đến 71% người đi giày cao gót cho biết đôi giày này làm đau chân họ.

Trên thực tế, một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào Tháng Mười Một, 2013, và được đăng trên tạp chí Singapore Medical Journal cho thấy, 68% phụ nữ bị đau chân tái phát là do họ cảm thấy khó chịu khi đi giày dép, đặc biệt là giày cao gót.

Mặc dù bất cứ loại giày cao gót nào cũng có thể khiến ngón chân bị mềm, nhưng chính những đôi giày mũi nhọn kín mũi mới là thủ phạm lớn nhất.

Khi bị đau chân mãn tính, bạn sẽ dễ gặp các vấn đề sức khỏe khác như đau lưng, đau khớp và các vấn đề về cân nặng cũng như các bệnh dường như không hề liên quan như mụn trứng cá hay thị lực kém.

2. Bàn chân xuất hiện vết chai

Khi mang giày cao gót quá nhiều, bàn chân sẽ bị thay đổi hình dạng, gây ra các vấn đề về cấu trúc xương.

Phần mũi hẹp của giày cao gót ép các ngón chân, điều này sẽ dẫn đến tình trạng ngón chân hình búa (hammertoe), khiến các ngón chân của bạn bị cong xuống. Những ngón chân búa có thể hình thành vết chai trên đầu ngón chân của bạn.

Và các vết chai có nguy cơ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nếu bạn cố cắt hoặc giũa chúng, trong trường hợp nặng hơn có thể gây ra nhiễm trùng xương.

Khi đi giày cao gót, sự phân bổ trọng lượng trên bàn chân sẽ bị thay đổi rất nhiều. (Hình: Pascal Le Segretain/Getty Images)

3. Bunion – viêm khớp ngón chân cái

Bunion là hiện tượng viêm khớp ngón chân cái, khiến các khớp ngón chân cái của bạn không thẳng hàng với các khớp ngón chân còn lại.

Một nghiên cứu vào Tháng Mười Hai, 2015, đăng trên tạp chí Arthritis Care & Research cho thấy đi giày cao gót làm tăng nguy cơ phát triển của bunion lên đến 47%.

Bác Sĩ Mark Mendeszoon chia sẻ, khi đi giày cao gót, sự phân bổ trọng lượng trên bàn chân sẽ bị thay đổi rất nhiều. Và thay vì đi từ gót chân đến ngón chân, bạn bị dồn phần lớn áp lực lên lòng bàn chân.

4. Metatarsalgia – đau xương bàn chân

Bàn chân được bao phủ từ một lớp đệm mỡ để bảo vệ các khớp đốt ngón chân, được gọi là đầu xương bàn chân.

Khi đi giày cao gót, các ngón chân của bạn sẽ bị co lại và bị vênh. Khi ngón chân hình búa phát triển và các ngón chân bắt đầu cong xuống, chúng sẽ đẩy lùi đầu xương bàn chân.

Theo thời gian, tất cả lực đẩy này làm cho lớp đệm mỡ bị dịch chuyển, do đó bạn có rất ít hoặc không còn đệm trên mu bàn chân nữa. Sau đó, xương của bạn sẽ bị bầm tím và viêm nhiễm. Tình trạng này được gọi là metatarsalgia, tức là đau xương bàn chân.

Mang giày cao gót cũng làm tăng đáng kể nguy cơ gãy xương ở bàn chân. (Hình: Stuart C. Wilson/Getty Images)

5. Rối loạn tư thế

Theo cuộc nghiên cứu mang tên Peer J, vì giày cao gót cản trở chuyển động tự nhiên của bàn chân, điều này cũng có thể thay đổi sự phân bổ áp lực xuống lòng bàn chân, ảnh hưởng đến khớp mắt cá chân và các cơ xung quanh, hạn chế phạm vi chuyển động của mắt cá chân.

Từ đó, một phản ứng dây chuyền mang đến tin xấu cho toàn bộ cơ thể bạn. Bạn bù đắp cho dáng đi không tự nhiên bằng cách sử dụng các cơ khác mạnh hơn và các khớp của bạn khác đi, gây ra sự mất cân bằng cơ ở chân.

Ngoài ra, các đĩa đệm ở lưng của bạn cũng có thể bị mất nước, bị thoát vị và bắt đầu bị nén. Và lưng dưới của bạn có thể căng lên và co thắt, ngay cả cơ từ đầu và cơ gân kheo cũng sẽ bị mất cân bằng.

6. Dễ bị chấn thương

Trong một bài viết hồi Tháng Giêng, 2016, trên tạp chí BMJ Open, sử dụng giày cao gót có liên quan đến nguy cơ chấn thương do căng cơ lặp đi lặp lại.

Mang giày cao gót cũng làm tăng đáng kể nguy cơ gãy xương ở bàn chân, cẳng chân, cánh tay và xương chậu. Và việc đi bằng ngón chân thấp hơn gót chân sẽ khiến mắt cá chân của bạn rơi vào tình thế không ổn định, khiến bạn dễ bị bong gân hơn.

Ngoài ra, thói quen đi giày cao gót có liên quan đến nguy cơ té ngã cao hơn ở người lớn tuổi, ngay cả khi họ không đi giày cao gót vào thời điểm bị ngã. Các tác động sinh lý do việc đi giày cao gót hằng ngày tác động lên cơ thể khiến bạn dễ bị ngã, bất kể chân bạn có mang vật gì. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT