Sunday, December 17, 2023

Đồ nội thất ế ẩm vì thị trường nhà đắt đỏ và suy thoái 

ORANGE COUNTY, California (NV) – Lãi suất thế chấp cao và giá địa ốc đắt đỏ đã khiến việc mua nhà ngày càng trở nên khó khăn, nhưng hậu quả ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở thị trường nhà đất.

Theo Business Insider, các nhà bán lẻ đồ nội thất đã báo cáo doanh số bán hàng bị yếu đi do người tiêu dùng đang gặp trở ngại khi nỗ lực mua nhà nên họ không mua nhiều bàn ghế và đồ gia dụng như thường lệ.

Bên trong một của hàng bán đồ nội thất. (Hình minh họa: Joel Saget/AFP via Getty Images)

“Chúng tôi tiếp tục dự đoán thị trường nhà ở hạng sang và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong suốt năm tài chính 2023 và sang năm tới khi lãi suất thế chấp tiếp tục có xu hướng đạt đỉnh điểm trong 20 năm,” hãng nội thất RH cho biết trong báo cáo thu nhập mới nhất vào tuần trước.

Trong quý kết thúc vào ngày 29 Tháng Bảy, hãng bán lẻ đồ nội thất cao cấp này báo cáo doanh thu giảm 19%.

Tương tự, Williams-Sonoma, thương hiệu đứng sau Pottery Barn và West Elm, báo cáo doanh số bán hàng trong quý hai giảm 11.9% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu thuần giảm 13%. Lợi nhuận giảm từ $928.81 triệu trong cùng quý năm ngoái xuống còn $757.56 triệu. Công ty đã điều chỉnh triển vọng năm 2023 với kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu thuần thấp hơn, trong khoảng -5% và -10%.

Sau đó, nhà bán lẻ đồ nội thất Hooker Furnishings có trụ sở tại Virginia, báo cáo doanh thu quý hai giảm 36% so với một năm trước, từ $152.91 triệu xuống $97.8 triệu.

“Chúng tôi tin rằng có những tín hiệu trái ngược nhau trong nền kinh tế,” Jeremy Hoff, giám đốc điều hành của Hooker Furnishings, cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập của công ty. “Tình trạng thiếu nhà ở và lãi suất thế chấp cố định đỉnh điểm 20 năm đã làm chậm hoạt động nhà ở. Lãi suất tiếp tục tăng đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.”

Một cuộc khảo sát mới của nhà đầu tư Bloomberg kết luận rằng người tiêu dùng Mỹ kiên cường sắp sửa mất đà vào đầu năm tới. Hơn một nửa số người được hỏi dự đoán rằng tiêu dùng cá nhân sẽ giảm vào năm 2024.

Về thời điểm đó, các kinh tế gia của Fed San Francisco đã nói rằng số tiền tiết kiệm còn sót lại từ đại dịch có thể bốc hơi hết ngay trong tháng này. Đó là tín hiệu không tốt cho những nhà bán lẻ đồ nội thất vốn đang phải chịu áp lực.

Các hộ gia đình ở Mỹ đang chứng kiến chi phí đi vay cao ăn vào tiền tiết kiệm của họ, từ đó hạn chế số tiền họ có thể chi tiêu cho đồ gia dụng và các vật dụng khác.

Cho đến nay, chi tiêu linh hoạt đã ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu sắc, nhưng nếu nguồn chi tiêu đó cạn kiệt thì vận mệnh của nền kinh tế cũng vậy. (Ng.Tr) [kn]

MỚI CẬP NHẬT