Saturday, December 16, 2023

‘Chăm sóc cộng đồng’ không chỉ có nghĩa về sức khỏe

Thiện Lê/Người Việt

SAN FRANCISCO, California (NV) – Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) hợp tác với một số tổ chức cộng đồng để tổ chức hội thảo hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Mười, nói về định nghĩa của những người chăm sóc cộng đồng, trong đó có các nghệ sĩ, họa sĩ và các nhà hoạt động có nhiều nỗ lực giúp đỡ cộng đồng bằng nhiều cách.

Lan truyền văn hóa cũng là một cách “chăm sóc cộng đồng.” (Hình minh họa: Andrea Renault/AFP via Getty Images)

Người chăm sóc cộng đồng thường được biết đến là những người chăm sóc sức khỏe của người khác và giúp họ trong những sinh hoạt hằng ngày. Tuy vậy, một câu hỏi được đặt là định nghĩa về người chăm sóc cộng đồng có thể được mở rộng hay không.

Lý do là vì có những tổ chức cộng đồng có nhiều đóng góp về mặt xã hội, giúp cộng đồng của họ tránh được cảnh kỳ thị và thành kiến của người khác. Những tổ chức cộng đồng gốc Á Châu và người thổ dân Hawaii “chăm sóc” cộng đồng bằng hội họa, bằng những dịch vụ xã hội và nhiều biện pháp khác để giúp các sắc dân khác hiểu rõ hơn về văn hóa của những cộng đồng đó, tránh được nhiều nguy hiểm từ kỳ thị.

Buổi hội thảo của EMS có nhiều đại diện của các tổ chức cộng đồng nói về những khó khăn trong xã hội cùng những giải pháp, còn nói về nhiều khía cạnh trong công việc của họ.

Các diễn giả đầu tiên đại diện của tổ chức Pacific Island Knowledge 2 Action Resources (PIK2AR), gồm có bà  Kalani Tonga-Tukuafu, giám đốc nghệ thuật, và bà Susi Feltch-Malohifo’ou, tổng giám đốc.

Bà Tonga-Tukuafu cho biết PIK2AR có một dự án khảo sát nhiều người chăm sóc sức khỏe cộng đồng gốc người gốc Á Thái Bình Dương. Khảo sát đó cho thấy 50% người tham gia có kinh nghiệm hơn năm năm, nhưng 67% không được đào tạo chính quy.

Một sinh hoạt lan truyền nhiều thông tin bổ ích cho cộng đồng ở Minnesota của Pacific Island Knowledge 2 Action Resources. (Hình: Pacific Island Knowledge 2 Action Resources

Cũng theo khảo sát, chỉ có 26% người chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ, và độ tuổi những người làm nghề này từ 18 đến 55 tuổi, 38% trong độ tuổi 35 đến 45.

PIK2AR sử dụng những thông số đó để chia sẻ nhiều câu chuyện với cộng đồng và còn đăng nhiều hình ảnh trên mạng xã hội, sau đó sẽ đưa những hình ảnh đó vào cuộc triển lãm “Telling Our Own Stories” có mục đích giúp các cộng đồng khác hiểu rõ hơn về văn hóa của người Á Châu Thái Bình Dương.

Một đại diện khác của PIK2AR là bà Carolynn Williams cũng tham dự buổi hội thảo của EMS, nói về một số nỗ lực của tổ chức này ở Utah như tạo ra văn hóa chào đón người khác và sự minh bạch giữa các cộng đồng thể thao, giải trí và ẩm thực.

Bà Feltch-Malohifo’ou tiếp lời, biết PIK2AR gửi bản khảo sát đến nhiều cơ quan truyền thông để lan truyền ra nhiều cộng đồng khác, giúp xóa đi nhiều thành kiến về người Á Châu Thái Bình Dương.

Diễn giả tiếp theo là bà Neeta Patel, quyền tổng giám đốc của tổ chức Asian Americans United, cho biết tổ chức này được thành lập đến nay 38 năm, và nói về dự án bảo vệ văn hóa của một nơi quan trọng với cộng đồng người Á Châu là khu Chinatown của thành phố Philadelphia.

Asian Americans United đã giúp đỡ khu phố người Hoa của Philadelphia khỏi bàn tay của ba tỷ phú muốn xây một sân vận động tại địa danh 150 năm tuổi này, và đó là một trong những khu Chinatown lâu năm nhất của Hoa Kỳ.

Tổ chức này tạo ra nhiều hoạt động, tạo ra một liên đoàn nhiều thế hệ để chứng minh các cộng đồng thiểu số, tuy không biết tiếng Anh, nhưng vẫn đoàn kết để bảo vệ văn hóa khỏi những người chỉ muốn kiếm lời.

Một sinh hoạt giúp cộng đồng người Hoa chích ngừa cúm ở Seattle của National Asian Pacific Center on Aging. (Hình: National Asian Pacific Center on Aging )

Bà Patel còn nhấn mạnh nhiều khu Chinatown khắp Hoa Kỳ cũng đang bị đe dọa bởi nhiều dự án phát triển, và không chỉ có các khu phố người Hoa, mà nhiều cộng đồng khác cũng đang gặp nhiều vấn đề từ các dự án đó.

Người tiếp theo là ông Benny Lai, quản lý truyền thông và sự kiện của tổ chức National Asian Pacific Center on Aging (NAPCA) ở Seattle, Washington, và có văn phòng ở Los Angeles

Ông cho biết tổ chức này đang hợp tác với đạo diễn Risa Morimoto để sản xuất vài phim tài liệu dài khoảng 15 phút, nói về cuộc đời của những người chăm sóc sức khỏe trong các cộng đồng Á Châu, đặc biệt là chăm sóc cho người thân.

Những tập phim tài liệu đó được quay ở nhiều nơi, cho khán giả thấy câu chuyện của những người trong nghề chăm sóc sức khỏe tại gia, cùng những khó khăn mà họ phải trải qua.

Ông Lai hy vọng phim tài liệu này sẽ giúp khán giả hiểu được nhiều điểm trong văn hóa Á Châu, cũng như bảo đảm những cách lan truyền thông tin ra trước công chúng là nhạy cảm về văn hóa.

NAPCA sẽ có phụ đề tiếng Hoa, tiếng Hàn và nhiều ngôn ngữ khác cho những phim tài liệu đó.

Diễn giả thứ tư là cô Dianara Rivera, giám đốc chiến thuật của tổ chức Asian American Resource Workshop (AARW) ở Boston, Massachusetts, nói về dự án “Lá Thư Tình Gửi Đến Cộng Đồng Gốc Á.”

Đầu tiên, cô nói mục đích của dự án này là giải thích định nghĩa của “chăm sóc cộng đồng,” có nghĩa là đáp ứng sự kêu gọi giúp đỡ của cộng đồng về chính trị và mọi thứ chung quanh.

Sự chăm sóc đó phải vui tươi và giúp người khác nhận ra được sự mạnh mẽ của bản thân và cộng đồng.

Cô chia sẻ nhiều hình ảnh về hoạt động của AARW, như các cuộc thi viết thư hay viết văn để lan truyền sự yêu thương của cộng đồng, còn có các hoạt động về hội họa.

Một hoạt động được nhấn mạnh là viết thư kêu gọi giúp đỡ để nhiều người chia sẻ những khó khăn hay những nỗi đau mình từng trải qua, sau đó được nhiều người đóng góp ý kiến để giúp đỡ.

Một sinh hoạt hàn gắn các cộng đồng của South-East Asian Diaspora Project. (Hình: South-East Asian Diaspora Project

Diễn giả cuối cùng là bà Jessica Eckerstorfer, đồng tổng giám đốc của tổ chức South-East Asian Diaspora Project (SEAD) ở Minneapolis, Minnesota, chia sẻ về dự án ra mắt sách “Knowing Our Joy” nói về câu chuyện của các cao niên gốc Đông Nam Á.

Bà cho biết dự án này có sự tham gia của 17 người ghi chép các câu chuyện trong cộng đồng, 20 cao niên, 20 họa sĩ và sáu đối tác của các cộng đồng Đông Nam Á.

Quyển sách này giúp nhiều cộng đồng gốc Đông Nam Á kể câu chuyện của họ, chia sẻ về văn hóa và thậm chí có những câu chuyện rất cá nhân.

Theo bà Eckerstorfer, sách “Knowing Our Joy” sẽ được ra mắt tại sự kiện gây quỹ hằng năm của SEAD, tổ chức ở Minnesota vào ngày 2 Tháng Mười năm nay.

Với những nỗ lực giúp về giúp đỡ cộng đồng và lan truyền văn hóa Á Châu Thái Bình Dương, các đại diện tổ chức cộng đồng dự hội thảo của EMS nhấn mạnh định nghĩa của “chăm sóc cộng đồng” không chỉ có nghĩa về sức khỏe, mà còn về nhiều vấn đề khác. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT