Sunday, December 17, 2023

California sắp cấm 4 chất phụ gia trong thực phẩm

SACRAMENTO, California (NV) – Quốc Hội California vừa chuẩn thuận Đạo Luật An Toàn Thực Phẩm California (California Food Safety Act), nhằm cấm bốn loại hóa chất độc hại có trong kẹo, ngũ cốc, nước xốt salad và các loại thực phẩm khác.

Liên Minh Châu Âu (EU) đã cấm những phụ gia này trong kẹo và đồ nướng của Mỹ từ lâu, báo CalMatters viết ngày 3 Tháng Mười.

Một số thực phẩm sẽ phải đổi công thức để phù hợp với luật mới của California. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Đạo luật này buộc các nhà sản xuất thực phẩm thay đổi công thức của nhiều loại đồ ngọt và đồ nướng kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2027, để tuân thủ luật California.

Điều này có thể khiến các công ty loại bỏ các chất phụ gia khỏi sản phẩm của họ trên toàn quốc chứ không chỉ tại California.

Cơ quan Consumer Reports là nhà đồng tài trợ cho dự luật.

Ông Brian Ronholm, giám đốc chính sách thực phẩm của tổ chức phi lợi nhuận Consumer Reports, cho biết lệnh cấm của California có thể quan trọng đối với các tiểu bang khác.

“Dự luật đột phá này được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng và cấm bốn loại hóa chất thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ ung thư cao hơn, tổn thương hệ thần kinh, hiếu động thái quá và các rối loạn thần kinh khác,” ông nói.

“Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) đã chậm chạp trong việc giải quyết những mối nguy hiểm này. Vì vậy điều quan trọng đối với California là phải bảo vệ người tiêu dùng khỏi những hóa chất thực phẩm độc hại này,” ông Ronholm nhận định.

Những người phản đối đạo luật cho rằng nó sẽ làm gián đoạn hoạt động của các nhà sản xuất và nhà bán lẻ và điều đó sẽ gây hại cho người tiêu dùng vì họ không thể mua những sản phẩm này.

Đây là luật mới nhất trong số một số luật gần đây của California nhằm tác động đến thị trường tiêu dùng toàn quốc.

Đạo luật cấm những gì?

Đạo luật cấm thuốc nhuộm đỏ 3 (red dye 3), propylparaben, dầu thực vật brôm (brominated vegetable oil) và potassium bromate trong tất cả các loại thực phẩm dành cho người tiêu dùng.

Thuốc nhuộm màu đỏ 3 là chất phụ gia tạo màu phổ biến trong kẹo và các thực phẩm khác.

Hóa chất này đã bị FDA cấm sử dụng trong mỹ phẩm từ hơn 30 năm trước do có thể gây ung thư.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Environmental Working Group, thuốc nhuộm màu đỏ 3 vẫn được sử dụng trong các loại kẹo phổ biến như Peeps, cũng như các loại thực phẩm khác như bánh quy và thức uống.

Công ty Just Born Quality Confections, công ty sản xuất kẹo marshmallow hiệu Peeps, hồi đầu năm, nói với CNN rằng chất phụ gia này là “một chất tạo màu” đã được FDA phê duyệt “để sử dụng trong kẹo.”

“Chúng tôi sản xuất tất cả các loại kẹo của mình tuân thủ các quy định của FDA, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu và bao bì độc quyền từ các nhà cung cấp có uy tín tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và phẩm chất cao,” công ty Just Born Quality Confections tiếp.

Propylparaben là chất bảo quản được sử dụng trong các món nướng như bánh nướng xốp và bánh ngọt, cũng như trong trail mixes (trái cây khô và hạt đậu).

Dầu thực vật brôm được thêm vào thức uống có mùi để ngăn dầu hương vị nổi lên trên.

Theo công ty nước giải khát Keurig Dr Pepper, trong khi nhiều công ty nước giải khát đã ngừng sử dụng chất này từ trước, các thương hiệu như Sun Drop vẫn tiếp tục sử dụng.

Potassium bromate là một chất tăng độ cứng của bột dùng trong tất cả các loại bánh mì, bánh quy và bánh bắp Mễ (tortillas). Chất này bị cấm ở Liên Minh Châu Âu, Vương Quốc Anh, Canada và Brazil.

Công ty Just Born Quality Confections sản xuất kẹo marshmallow hiệu Peeps: “Chúng tôi sử dụng chất tạo màu đã được FDA phê duyệt.” (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Tại sao cấm những hóa chất này?

Trong các nghiên cứu khoa học với loài chuột, các hóa chất này đã được kết luận là gây ung thư hoặc gây độc thần kinh, gây tổn thương nội tiết hoặc sinh sản.

Những chất này đã bị Liên Minh Châu Âu cấm dùng trong thực phẩm, riêng thuốc nhuộm màu đỏ 3, chỉ được phép sử dụng trong kẹo cherry. Nhiều thương hiệu, trong những năm gần đây, đã ngừng sử dụng các hóa chất này để bảo vệ người tiêu dùng.

Công ty PepsiCo từng sử dụng dầu thực vật brôm trong một số loại đồ uống như Mountain Dew và một số hương vị của Gatorade, nhưng sau đó đã thay đổi công thức đó sau khi việc sử dụng dầu thực vật brôm bắt đầu gây tranh cãi.

Những người ủng hộ lệnh cấm ở California cho biết các nhà sản xuất có thể điều chỉnh lại sản phẩm của mình để tuân thủ đạo luật.

“Không có lý do gì mà thực phẩm ở Châu Âu lại an toàn hơn thực phẩm ở California,” bà Melanie Benesh, phó chủ tịch Environmental Working Group, công ty đồng bảo trợ dự luật, nói.

Sun Drop được quảng cáo mạnh cho khán giả thể thao. (Hình minh họa: Jonathan Daniel/Getty Images)

Những hóa chất này có thực sự nguy hiểm?

Thuốc nhuộm đỏ 3 đã được xác nhận là gây ung thư cho chuột nhưng chỉ ở liều lượng rất cao; chưa có bệnh ung thư nào được chứng minh do người ta tiêu thụ thuốc nhuộm đỏ 3.

Tương tự, các hóa chất khác đã được thử nghiệm trên chuột và các động vật có vú khác, nhưng không có kiên quan nào giữa các hóa chất này và bệnh ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe nào khác ở người.

Ông James Coughlin, chuyên gia thực phẩm tại UC Davis, cho biết việc cấm bốn loại hóa chất này trong thực phẩm ở California là “không cần thiết và phản khoa học.”

Theo ông Coughlin, người nghiên cứu chất độc trong thực phẩm trong hơn 40 năm, tất cả các hóa chất này đều an toàn cho con người với số lượng pháp luật cho phép.

Mountain Dew ngưng sử dụng dầu thực vật brôm từ lâu. (Hình minh họa: Neilson Barnard/Getty Images)

Ai phản đối đạo luật này? Tại sao?

Đạo luật này bị nhiều hiệp hội thực phẩm và thức uống uống trên toàn quốc cũng như Hiệp Hội California Manufacturers and Technology Association phản đối mạnh mẽ.

Nhiều hiệp hội cho biết lẽ ra California nên đợi FDA đánh giá các hóa chất này và đặt ra tiêu chuẩn quốc gia.

Bà Rachel Michelin, giám đốc điều hành Hiệp Hội Các Nhà Bán Lẻ California, cho biết những luật này của tiểu bang sẽ “đặt gánh nặng lên người tiêu dùng California, những người cuối cùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.”

Bà Melanie Benesh, thuộc Environmental Working Group, cho biết sự phản đối của các nhà sản xuất chỉ là “sự chiếu lệ” mà thôi.

“Nhiều công ty đã không dùng các hóa chất này từ lâu rồi,” bà Benesh nói. “Họ muốn bán sản phẩm phù hợp với thị trường Châu Âu.”

Để tìm hiểu thêm, truy cập chcf.org. (ĐG) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT