Sunday, December 17, 2023

Gần 1,000 con chim đâm vào cửa sổ bảo tàng Chicago trong mùa di cư

CHICAGO, Illinois (NV) – David Willard kiểm tra khuôn viên trung tâm triển lãm ven hồ ở Chicago để tìm chim chết suốt 40 năm qua. Hôm sáng Thứ Năm, 5 Tháng Mười, ông phát giác cảnh tượng khủng khiếp: Hàng trăm con chim biết hót chết, nằm la liệt tới mức trông như một tấm thảm.

Gần 1,000 con chim hót đã chết trong một đêm sau khi đâm vào cửa sổ Trung Tâm McCormick Place Lakeside, hậu quả, theo các chuyên gia nghiên cứu chim, đến từ sự kết hợp chết chóc của các điều kiện di cư, mưa, ánh đèn thấp của phòng triển lãm và tường có cửa sổ.

“Cảnh tượng trông như tấm thảm chim chết bên cửa sổ,” Willard, nhà quản lý bộ sưu tập chim, đã nghỉ hưu tại Bảo Tàng Chicago Field, cho biết, ông từng đóng vai trò là viên quản lý, bảo tồn và phân loại bộ sưu tập 500,000 mẫu vật chim, cũng như tìm kiếm các bầy chim đập đầu vào cửa sổ như một phần của công tác nghiên cứu.

Có 964 con chim đâm đầu vào cửa sổ bảo tàng Chicago Field Museum rồi chết trên đường di cư về miền Nam, hôm 5 Tháng Mười, 2023. (Hình: Daryl Coldren/Chicago Field Museum)

“Một đêm thường lệ sẽ không có, hoặc có khoảng 15 con chim (chết). Đây là ngoại lệ quá sức tưởng tượng so với những gì chúng tôi từng bắt gặp,” Willard nói. “Trong 40 năm nghiên cứu tại McCormick, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều chim chết như vậy.”

Các nhà nghiên cứu ước tính có hàng trăm triệu con chim chết do lao đầu vào cửa sổ tại Hoa Kỳ mỗi năm. Các khoa học gia thuộc Viện Sinh Học Bảo Tồn Smithsonian và Cơ Quan Quản Lý Cá và Động Vật Hoang Dã Hoa Kỳ công bố nghiên cứu năm 2014 cho thấy, con số này nằm trong khoảng từ 365 triệu tới 988 triệu con chim mỗi năm.

Các đợt lao đầu vào cửa sổ là một vấn đề tại hầu hết các thành phố lớn ở Hoa Kỳ. Chim không nhìn thấy cửa kiếng trong suốt hoặc phản chiếu, và không hiểu đó là mầm họa chết chóc. Khi chúng nhìn thấy thực vật hoặc bụi rậm qua cửa sổ hoặc hình ảnh phản chiếu, chúng sẽ đâm sầm vào rồi chết.

Các loài chim di cư về đêm, như chim sẻ và chim chích, dựa vào các ngôi sao để tìm đường. Ánh sáng rực rỡ từ các tòa nhà vừa thu hút vừa làm chúng bối rối, làm chúng đâm vào cửa sổ hoặc bay quanh đèn cho tới chết vì kiệt sức – một hiện tượng được gọi là lực hút ánh sáng chết chóc. Ví dụ, năm 2017, gần 400 con chim sẻ mất phương hướng trong ánh đèn của tòa nhà chọc trời tại Galveston, Texas và chết do đâm vào cửa sổ.

“Thật không may, chuyện này khá thường xuyên,” Matt Igleski, giám đốc điều hành Hiệp Hội Audubon Chicago nói. “Chúng tôi thấy hiện tượng này tại hầu hết các thành phố lớn trong mùa di cư vào các tiết Xuân và Thu. Đây (vụ đâm cửa sổ ở McCormick Place) là một vụ riêng biệt rất thảm khốc, nhưng khi gộp tất cả lại (trên khắp Hoa Kỳ), thì lúc nào nó cũng như vậy.”

Các loài chim biết hót nhỏ kiếm ăn vào ban ngày và di cư về đêm nhằm tránh nhiễu loạn không khí và chim săn mồi. Stan Temple giáo sư sinh thái học động vật hoang dã và chuyên gia nghiên cứu chim thuộc đại học University of Wisconsin-Madison đã nghỉ hưu, cho biết, các bầy chim chờ đợi những cơn gió phía Bắc để tiếp sức bay về phương Nam, nhưng thời điểm Tháng Chín chứng kiến những cơn gió phía Nam ấm bất thường làm cho các loài chim phải tập trung ở đây. Hôm tối Thứ Tư, một đợt gió thổi về phía Nam, tạo ra luồng gió thuận cùng hàng nghìn con chim bay lên bầu trời.

Cơn mưa trước bình minh buộc bầy chim phải hạ độ cao, nơi chúng thấy đèn ở McCormick Place vẫn sáng, Willard cho biết. Theo thống kê của bảo tàng, có 964 con chim chết tại trung tâm. Con số đó nhiều hơn khoảng 700 so với số lượng được tìm thấy tại bất kỳ thời điểm nào trong 40 năm qua, Willard nói. Chim thuộc 33 loài đã chết, theo ghi nhận tại bảo tàng; phần lớn là chim chích cọ và chim chích đuôi vàng.

New York City đã tắt hai chùm ánh sáng biểu tượng của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới trong một khoảng thời gian của buổi lễ tưởng niệm ngày 11 Tháng Chín hàng năm, ngăn các bầy chim khỏi bị mắc kẹt trong các ngọn giáo ánh sáng. Hiệp Hội Audubon Quốc Gia phát động chương trình năm 1999 có tên Lights Out, một nỗ lực khuyến khích các đô thị tắt hoặc giảm đèn sáng trong những tháng chim di cư. Gần 50 thành phố Hoa Kỳ và Canada đã tham gia, gồm có Toronto, New York, Boston, San Diego, Dallas và Miami. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT