Saturday, December 16, 2023

‘Sao Rơi Trên Biển,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Nguyễn Vũ

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Có thể nói ngay rằng “Sao Rơi Trên Biển” của Nguyễn Vũ là một bản “nhạc lính” thấm đượm chất “nhạc tình của đời lính” hơn là tính cách chiến đấu và hy sinh của các bản “nhạc lính” khác hoặc các “thiên anh hùng ca” về người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Nhạc phẩm “Sao Rơi Trên Biển” của Nguyễn Vũ. (Hình: Tài liệu)

Nhạc của Nguyễn Vũ thường có âm điệu du dương và tình tự tha thiết, chẳng những với người tình mà còn đối với quê hương, đất nước nữa. Chỉ mới nghe đến tựa đề “Sao Rơi Trên Biển” là người yêu nhạc đã nghĩ ngay đến một tác phẩm đượm nét trữ tình và không hề thiếu những mộng mơ. Rồi khi đây là một bản “nhạc lính” thì những “sao” và “biển” này phải là một nhạc phẩm nói về các anh lính biển, tức là các anh chiến sĩ Hải Quân VNCH.

Cũng như phần lớn chiến sĩ thuộc các quân, binh chủng khác trong quân đội miền Nam tự do, người chiến sĩ Hải Quân cũng lên đường hành quân trên những miền sông nước và ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng biển của quê hương với tâm tình bị chi phối giữa nợ nước và tình nhà, tức là giữa tình yêu đất nước nơi tiền tuyến và tình yêu người em gái chốn hậu phương: ngoài yêu núi sông thì tim này dâng cả em…

Tình yêu đất nước nơi tiền tuyến của người lính biển trong “Sao Rơi Trên Biển” được nhắc nhở qua câu hát “Hôm nay anh là lính tàu anh đi bốn phương” để cho thấy rằng chuyến đi biển của người lính thủy hoàn toàn khác với các chuyến đi tàu du ngoạn trên biển của người dân thường, và đi bốn phương ở đây phải được hiểu là đến những bến bờ chiến sự đang sôi động trên các vùng hải phận và biển đảo của miền Nam Việt Nam, từ Vũng Rô cho tới Hoàng Sa.

Người chiến sĩ Hải Quân đi biển không phải là để bắt cá hay ngồi ngắm trời, trăng, mây, nước mà là để canh giữ an ninh hải phận chống quân thù xâm lấn vùng duyên hải và biển đảo. Chiến sĩ Hải Quân còn chống lại địch quân đưa quân trang, quân dụng vào tiếp tế cho các lực lượng địch đang ra sức chống lại quân và dân miền Nam tự do. Đó là hình ảnh “Lênh đênh đài cao chiến hạm” để rồi nhân tiện “anh nhìn vì sao rơi,” và để thấy rằng dù có mưa gió, bão bùng gì thì vì nhiệm vụ hành quân người lính thủy cũng không thể cứ ở yên nơi bến đậu: “Trên boong nhiều gió lộng tàu còn đi khắp miền”…

Một đêm sao sáng, thương về ngập lòng đại dương dâng sóng làm anh chạnh nhớ đến người nơi xa xăm phương trời ấy, chẳng rõ người có còn buồn, còn thương, còn nhớ biết bao kỷ niệm xa xưa của chúng mình hay không. Đó là kỷ niệm về những lần hai đứa cùng nhau ngồi ngắm những vì sao rơi: “Ngàn sao đến đây về soi sáng phương này đưa anh vào kỷ niệm/ Em ơi anh nhớ ngày xưa chúng mình thường bên nhau nhìn sao rơi.”

Nhưng thôi, đó chỉ là chuyện của những ngày xa xưa ấy, thương thì thật nhiều, nhiều hơn biển cát. Nay thì anh đã là người lính biển phong sương, thường khi tàu anh xa bến đã lâu lắm rồi mà chưa về tới. Nhưng giữa vùng trời nước bao la, lạnh lẽo dưới mưa bay, tâm hồn anh lại đầy những suy tư vì cứ mãi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của đôi mình: “Hôm nay anh là lính tàu anh đi bốn phương/ Đôi khi vùng tuổi dại chợt về trong tâm tưởng/ Em ơi, biển hôm nay lạnh lắm và mưa bay thật nhiều.”

Từ dạo hai đứa xa nhau, dù anh không còn nhìn thấy em thương khóc nữa, nhưng sao anh vẫn mãi buồn và vẫn không biết nơi chốn thành đô của em trời có lạnh lẽo như ngày em tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ người trai thời ly loạn hay không nữa: “Mình xa cách nhau dù mưa gió không còn nhưng sao mình vẫn buồn/ Hôm nay không biết thành đô có lạnh nhiều như hôm mình chia ly.”

Giữa khung cảnh biển, trời bao la lúc đêm về và giữa khung trời gió lộng, áo người lính biển đã đẫm ướt sương đêm, làm cho lòng anh thêm tê tái khi nghĩ đến em. Chỉ mong em đừng buồn và đừng khóc nữa vì cảnh đời đôi ngã đôi ta trong hiện tại: “Bao la đêm biển xuống làm sương rơi áo anh/ Trên boong nhiều gió lộng tàu còn đi khắp miền/ Anh xin người yêu anh đừng khóc và xin em đừng buồn.”

Bìa nhạc phẩm “Sao Rơi Trên Biển” của Nguyễn Vũ. (Hình: Tài liệu)

Từ đài cao anh gác trên chiến hạm, anh nhìn thấy những vì sao đổi ngôi mà chạnh nhớ đến em trong những đêm sao trời đưa lối cho mình cùng đến bên nhau để cho anh nhìn ngắm những vì sao trong ánh mắt long lanh của em, ôi đôi mắt của những đêm thơm như một dòng sữa: “Lênh đênh đài cao chiến hạm anh nhìn vì sao rơi nhắc nhớ tên em/ Ngày xưa anh thường ngắm sao trời lạc đáy mắt mỹ nhân.”

Em có biết không, trùng dương lộng gió đã rủ máy bay về tô trắng không gian. Hôm nay tàu anh đi lặng lẽ một mình trên sóng trùng dương, nhưng lòng anh vẫn nghĩ đến ngày mai sum họp với người em yêu lúc em tha thướt trong chiếc áo đẹp nàng dâu giữa màu nắng hay là màu mắt em: “Em ơi, trùng dương gió nhiều/ Mây hẹn về nơi đây trắng xóa không gian/ Tàu đi bao ngày tháng u hoài để ngày mai hoa nắng dệt áo đẹp người yêu.”

Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn. Đó là ngày trời êm, biển lặng khi hòa bình trở lại trên quê hương, ngày đó quay tàu anh tìm lối về, và mình sẽ đi giữa trời nhiều hoa lá bay. Lúc đó chắc chắn môi em sẽ tươi như nụ hồng, và mắt em thôi không còn nhìn nhau buồn vời vợi nữa: “Ngày mai sóng êm ngàn tinh tú trên trời đưa anh về bến nhỏ/ Cho em thôi khóc, và cho mắt đừng buồn cho môi hồng thêm tươi.”

Lúc đó, em sẽ không còn gì để mà dỗi hờn sao chưa thấy anh về thăm em! Lúc đó, cả một trời hoa mộng sẽ hiện ra với đôi ta, lúc mây hồng giăng giăng khắp lối để tô điểm cho giây phút sum vầy của đôi ta trong ngày vui hội ngộ. Thôi nhé em đừng buồn làm gì nữa, nghe em, và hãy vui lên đi với những mong chờ về một ngày mai tươi sáng đang ló dạng nơi chân trời bát ngát hương yêu: “Cho em thôi hờn dỗi/ Đường xưa hoa lá thêu/ Mây giăng đầy phố phường đẹp ngày vui chúng mình/ Em ơi, dù xa xôi vạn lý đừng quên câu chờ mong.”

***

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944, gốc người Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu sinh sống ở Đà Lạt. Lúc còn nhỏ, ông đã tham gia ban ca thiếu nhi của đài Phát Thanh Đà Lạt sau khi đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài.

Năm 1958, ông cùng gia đình chuyển về Sài Gòn. Nguyễn Vũ phục vụ trong Hải Quân VNCH. Năm 1963 ông cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tựa đề “Một Loài Chim Biển.” Nguyễn Vũ chỉ thật sự nổi tiếng sau nhạc phẩm “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em” cùng các ca khúc có chữ “cuối,” như “Lời Cuối Cho Em,” “Nhìn Nhau Lần Cuối (với bút hiệu Anh Thái), “Bài Cuối Cho Người Tình”…

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (phải) và ca sĩ Thái Châu. (Hình: Thanh Niên)

Nguyễn Vũ không di tản hoặc vượt biên sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà ở lại làm việc cho xí nghiệp Dược Phẩm Trung Ương 22 với chức vụ là cán bộ văn-mỹ-thể. Từ năm 1990, Nguyễn Vũ mở một lớp dạy nhạc tại Quận Tân Bình ở Sài Gòn.

Các nhạc phẩm được ưa chuộng nhiều nhất của Nguyễn Vũ trước năm 1975 là “Bài Thánh Ca Buồn,” “Biển Tím,” “Ga Chiều Phố Nhỏ,” “Huyền Thoại Chiều Mưa,” “Lời Cuối Cho Em” (1 và 2), “Một Loài Chim Biển,” “Nhìn Nhau Lần Cuối” (với bút hiệu Anh Thái), “Sao Rơi Trên Biển,” “Tiếng Hát Thiên Thần,” “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em”… (Vann Phan) [qd]


 

Nhạc phẩm “Sao Rơi Trên Biển” của Nguyễn Vũ

Ngàn sao đến đây về soi sáng phương này đưa anh vào kỷ niệm
Em ơi anh nhớ ngày xưa chúng mình thường bên nhau nhìn sao rơi
Hôm nay anh là lính tàu anh đi bốn phương
Đôi khi vùng tuổi dại chợt về trong tâm tưởng
Em ơi, biển hôm nay lạnh lắm và mưa bay thật nhiều

Mình xa cách nhau dù mưa gió không còn nhưng sao mình vẫn buồn
Hôm nay không biết thành đô có lạnh nhiều như hôm mình chia ly
Bao la đêm biển xuống làm sương rơi áo anh
Trên boong nhiều gió lộng tàu còn đi khắp miền
Anh xin người yêu anh đừng khóc và xin em đừng buồn.

Đ.K.:
Lênh đênh đài cao chiến hạm anh nhìn vì sao rơi nhắc nhớ tên em
Ngày xưa anh thường ngắm sao trời lạc đáy mắt mỹ nhân
Em ơi, trùng dương gió nhiều
Mây hẹn về nơi đây trắng xóa không gian
Tàu đi bao ngày tháng u hoài để ngày mai hoa nắng dệt áo đẹp người yêu

Ngày mai sóng êm ngàn tinh tú trên trời đưa anh về bến nhỏ
Cho em thôi khóc, và cho mắt đừng buồn cho môi hồng thêm tươi
Cho em thôi hờn dỗi
Đường xưa hoa lá thêu
Mây giăng đầy phố phường đẹp ngày vui chúng mình
Em ơi, dù xa xôi vạn lý đừng quên câu chờ mong.


 

MỚI CẬP NHẬT