Sunday, December 17, 2023

Hội ngộ 55 năm kỷ niệm Không Quân VNCH Khóa 7/68 tại Little Saigon

Kiều Mỹ Duyên

LITTLE SAIGON, California (NV) – Hai ngày hội ngộ 55 năm ngày nhập ngũ, Khóa 7/68 Không Quân VNCH vừa được tổ chức vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 7 và 8 Tháng Mười, tại Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.

Cựu chiến sĩ Không Quân Khóa 7/68 và người thân tại tiền hội ngộ ở Café & Te Restaurant, Fountain Valley. (Hình: Hồ Thị Triều Lam)

Ngày tiền đại hội hôm Thứ Bảy được tổ chức tại Café & Te Restaurant, Fountain Valley, và ngày đại hội được tổ chức tại Grand Garden Restaurant, Westminster.

Đây là dịp các cựu chiến binh Không Quân Khóa 7/68 sum họp, chung vui, và tưởng nhớ các anh linh bạn đồng khóa đã bỏ mình vì lý tưởng tự do.

Người tham dự về từ khắp nơi như Canada, Washington DC, Arizona, Florida, San Jose, Texas, Oklahoma, Seattle,…

Chương trình văn nghệ tại đại hội được nhiều người chú ý, nhất là quân chủng Không Quân nổi tiếng rất hào hoa, khiêu vũ đẹp, nói năng lịch thiệp, có nhiều người đẹp vây quanh. Những chàng hào hoa hát rất hay, đánh đàn giỏi, khiêu vũ điệu nghệ.

Ngoài ra, phu nhân của sĩ quan Khóa 7/68 Không Quân nhiều người ca rất tuyệt vời, cách diễn xuất cũng rất điệu.

Nhạc sĩ Ngô Cảnh đánh đàn dương cầm không ngừng nghỉ.

Ca sĩ Mỹ Thúy, xướng ngôn viên đài truyền hình Saigon, trước khi cất tiếng hát, phát biểu như sau: “Em rất thích Không Quân và Hải Quân. Em kính trọng và biết ơn các chiến sĩ Quân Lực VNCH, can đảm, hào hùng. Em và mọi người được ngày hôm nay, đến trường học đến nơi đến chốn, là nhờ các anh.”

Ca sĩ Mỹ Thúy ca bài “Con Đường Xưa Em Đi” rất truyền cảm, có sức thu hút người nghe. Ca sĩ Duyên Hà ca bài “Tạ Ơn Em” được hoan hô nhiệt liệt. Cô Dung xinh xắn, hát bài “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội.”

Ký giả Kiều Mỹ Duyên (đứng, phải) thăm hỏi các cựu chiến sĩ Không Quân Khóa 7/68 tại buổi tiền hội ngộ. (Hình: Hồ Thị Triều Lam)

Ông Nguyễn Văn Thu, từng lái trực thăng võ trang, nói với bằng hữu về những trận chiến khốc liệt mà ông đã tham dự.

Ông Liêng Hoàng Điệp, cư ngụ ở Arizona, có vẻ trầm ngâm và ngậm ngùi nhớ bằng hữu đã không còn trên cõi đời này.

Ca sĩ Hồng ăn mặc đẹp, diễn xuất tuyệt vời, ca ngày Thứ Bảy sang Chủ Nhật tiếp tục ca, duyên dáng, dễ thương, với bài “Hoa Nở Về Đêm,” được hoan hô nhiệt liệt.

Cựu Đại Úy Trần Thế Phong, huấn luyện viên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, đi tù chín năm qua các nhà tù Sơn La, Nghĩa Lô, Yên Bái, Vĩnh Phú, Tuyên Quang.

Sĩ quan cán bộ Trần Thế Phong nhắc về những kỷ niệm với các khóa sinh 7/68 Không Quân rất vui, tình thầy trò rất gắn bó. Ông và gia đình đang ở San Jose.

Không Quân Khóa 7/68 có 255 người, nhưng số người trên sân khấu chỉ còn 33 người, những người còn lại đã hy sinh ở chiến trường, đền ơn tổ quốc, chết trong tù, bệnh, đang nằm nhà thương, bệnh ở nhà chờ ngày về với ông bà, còn người ở xa sức khỏe yếu nên không về được. Tóm lại, số người còn lại không bao nhiêu.

Không Quân bao giờ cũng là Không Quân, không thay đổi được, giỏi về bay trên lửa đạn, dưới tầm súng của quân thù, nhưng về hậu cứ là khiêu vũ rất giỏi, ca hát rất hay.

Bài hát “Anh Còn Nợ Em” của nhạc sĩ Anh Bằng, qua tiếng hát của Không Quân Trương Văn Thanh, tiếng hát làm cho mọi người ngừng ăn để nghe, để nhớ lại thời xa xôi mơ mộng nào đó.

Ban hợp ca Yorba Linda, gồm bảy ca sĩ, ba nữ, bốn nam, hát rất điêu luyện, vì ban hợp ca này có luyện tập hàng tuần, hát cho nhau nghe.

Nhạc sĩ Trần Việt điều hành âm thanh, làm việc không ngừng nghỉ.

Không Quân Đào Hiếu Thảo, cư ngụ tại vùng Washington DC, hát bài “24 Giờ Phép.” (Hình: Hồ Thị Triều Lam)

Nhạc về lính, về người yêu của lính ngàn năm vẫn có sức thu hút người nghe. Chiến tranh khói lửa tung trời, người chết trong chốc lát, thấy đó rồi mất đó, sống trong cảnh hồi hộp từng giây nên âm nhạc đưa hồn người vào cõi mộng.

“Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu
Ðã chiếm chiến công ngang trời
Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu
Ði không ai tìm xác rơi
Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi
Hối tiếc tấm thân làm chi
Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quyết chiến thắng.

Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi
Đàn chim dù bay ngàn phương cũng về
Ðể rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời
Cùng ngàn kiếp chim
Đoàn ta càng đi càng xa
Quyết khi về đem lại đây chiến công
Dù thân mồ quên lấp chìm.”
(Không Quân Việt Nam Hành Khúc – nhạc sĩ Văn Cao)

Những chàng trai trẻ mơ mộng hải hồ, 18 tuổi đi vào Không Quân Khóa 7/68, gồm 255 thanh niên, sau khi tốt nghiệp trung học tình nguyện đi vào Không Quân. Khóa 7/68 có tất cả 255 khóa sinh Không Quân gồm hai ngành: 93 Phi Hành và 162 Không Phi Hành, lái máy bay khắp bốn phương trời đi vào vùng địch, yểm trợ cho các cuộc hành quân của các chiến sĩ Quân Lực VNCH trên bốn vùng chiến thuật, yểm trợ cuộc hành quân qua Hạ Lào, yểm trợ cuộc hành quân của Thủy Quân Lục Chiến ở Neak Luông, Cambodia,…

Sài Gòn năm 1968, sau hai trận tổng công kích của Việt Cộng, bất ngờ tấn công thủ đô Sài Gòn và hàng chục tỉnh thành khắp miền Nam vào Tết Mậu Thân, chính phủ VNCH khẩn cấp ban hành lệnh tổng động viên. Đến giữa năm 1968, thông báo của Bộ Tư Lệnh Không Quân tuyển dụng sĩ quan phi hành và không phi hành được phổ biến trên các nhật báo, đài phát thanh, truyền hình Sài Gòn.

Các ứng viên không phi hành phải trải qua kỳ thi tuyển văn hóa, có phần thi viết về kiến thức tổng quát và trình độ ngoại ngữ. Cuộc khảo sát kéo dài hai ngày với trên 3,000 người, số thí sinh trúng tuyển khoảng 200 người. Sau đợt khám sức khỏe, chưa tới 170 được chính thức tuyển dụng. Ngày 30 Tháng Chín, 1968, tất cả các tân khóa sinh trình diện tại cổng Phi Long và được quân xa GMC đưa đến Trại Nhập Ngũ số 3, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, trại Nguyễn Tri Phương.

Ngày tổng khai giảng là 7 Tháng Mười, 1968, chương trình huấn luyện căn bản kéo dài tám tuần gồm các môn vũ khí, chiến thuật, cơ bản thao diễn, tác xạ,… dưới cơn nắng nóng cháy da, thức giấc từ 4 giờ sáng, chà láng giao thông hào, cơm nhà bàn, cá mối làm chuẩn, biến những chàng thư sinh thành người lính chiến rắn rỏi.

Các tân sĩ quan trong quân phục đang du học ở những trường chuyên môn. (Hình: Phước BM cung cấp)

Cuối Tháng Mười Hai, 1968, Khóa 7/68 Không Quân được chuyển đến Trường Bộ Binh Thủ Đức, nhập Đại Đội 38, Tiểu Đoàn 3, do Đại Úy Nguyễn Văn Vinh và Trung Úy Ninh Xuân Đức chỉ huy. Vì thừa quân số (có thêm 30 khóa sinh HSQ KQ theo học giai đoạn 2), một trung đội được gởi qua Đại Đội 34 Bộ Binh, nhập thành Trung Đội 341. Sĩ quan cán bộ của Trung Đội 341 là Thiếu Úy Nguyễn Văn Lợi.

Đến ngày mãn khóa, 12 Tháng Tư, 1969, các khóa sinh 7/68 Không Quân được mang cấp chuẩn úy và được quân xa đón về Bộ Tư Lệnh Không Quân, nhận giấy nghỉ phép một tuần, sau đó trở lại trình diện Khối Huấn Luyện để đi thụ huấn ngành chuyên môn. Chuẩn bị du học Hoa Kỳ, các sĩ quan phi hành học trường Anh Ngữ tại Sài Gòn, sĩ quan không phi hành học Anh Ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang (54 khóa sinh, do Đại Úy Tôn Thất Lăng phụ trách). Sau khóa Anh Ngữ, sĩ quan Phi Hành Khóa 7/68 Không Quân được huấn luyện trên các loại phi cơ trực thăng, khu trục, và vận tải tại các căn cứ Không Quân Hoa Kỳ. Sĩ quan không phi hành được thụ huấn tại các căn cứ Không Quân, Lục Quân Hoa Kỳ tùy ngành nghề chuyên môn.

Ngày 7 Tháng Mười, 1970, Khóa 7/68 Không Quân thăng cấp Thiếu Úy Hiện Dịch Thực Thụ. Khóa có tất cả 255 SVSQ gồm hai ngành: 93 Phi Hành và 162 Không Phi Hành. Ngày 7 Tháng Mười, 1972, thăng cấp Trung Úy Hiện Dịch Thực Thụ. Có một số người được thăng cấp Đại Úy Hiện Dịch Nhiệm Chức từ giữa năm 1974.

Bây giờ, những cánh chim đại bàng đã gãy cánh, chỉ còn một số ít người ở khắp nơi về Little Saigon hội tụ.

Buổi hội ngộ kỷ niệm 55 năm của Không Quân Khóa 7/68 đầy tình thương, vui tươi, nhưng cũng có giây phút lắng đọng bồi hồi nhớ các chiến hữu đã ra đi mãi mãi. Giờ chia tay lưu luyến mong buổi hội ngộ năm sau kỷ niệm 56 năm. Chúc các anh Không Quân Khóa 7/68 luôn mạnh khỏe và bình an. Mong ngày gặp lại! [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT