Sunday, December 17, 2023

‘Hoa Soan Bên Thềm Cũ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Tuấn Khanh

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Hoa Soan Bên Thềm Cũ,” tình ca do Tuấn Khánh sáng tác vào cuối thập niên 1950, nằm trong số những bản nhạc tình và “nhạc lính” có lời hay, ý đẹp và âm điệu quyến rũ nhất trong kho tàng âm nhạc phong phú và đầy tính nhân bản của miền Nam tự do trước năm 1975.

Nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của Tuấn Khanh. (Hình: Tài liệu)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh chẳng xa lạ gì đối với khán, thính giả tại miền Nam Việt Nam trước kia và tại các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại sau khi Sài Gòn mất vào tay quân Cộng Sản vì ông được coi là một khuôn mặt lớn trong dòng nhạc tình cảm cũng như “nhạc lính” của một thời chinh chiến xa xưa.

Bằng giai điệu Boléro vừa dặt dìu vừa kể lể, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” nói về một câu chuyện tình điển hình của một đôi trai gái thời Chiến Tranh Việt Nam, thời của những cuộc tình ngăn cách, dang dở, với bao thương nhớ vơi đầy và bao giọt nước mắt u sầu khi cách biệt và lệ mừng trong phút đoàn viên, dù chỉ là tạm thời như người anh nơi tiền tuyến và người em gái chốn hậu phương trong nhạc phẩm này.

Là một bản nhạc tình, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” đề cao một mối tình thơ mộng trong cách chia của một đôi uyên ương trong bước yêu đầu đầy những tình cảm thơ ngây và nhiều mơ mộng, dù tương lai chưa ai biết ra sao ngày sau vì đời còn vương vấn những khổ đau khi chiến tranh đang lan tràn trên quê hương yêu dấu. Ở đây, đôi bạn lòng cùng chấp nhận sống những tháng ngày ngập tràn yêu thương xen lẫn bao niềm nhớ nhung, mặt tuy xa cách nhưng lòng chẳng xa.

Là một bản “nhạc lính,” “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” diễn tả một cuộc tình diễm lệ thời chinh chiến khi hai bên bằng lòng sống xa cách nhau để cho anh chiến sĩ yên lòng lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời ly loạn, với lòng mong ước thật đơn sơ là sẽ có một ngày người trai lính chiến được mấy ngày phép về thăm nhà và thăm lại người yêu trước khi chàng trai lại từ biệt người yêu để băng mình vào sương gió, sống trọn kiếp trai hùng.

Vào một ngày khi nắng, gió nhẹ lướt trên đồi xanh lúc chiều đang xuống dần, anh chiến sĩ có dịp về thăm lại quê nhà đã bao năm rồi xa vắng để gặp lại người em gái nhỏ thơ ngây, xinh đẹp từng đưa tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ người trai mùa chinh chiến năm xưa: “Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi/ xa vắng miền quê bao năm rồi/ về gặp em ngây thơ duyên dáng/ hôm xưa tiễn anh nơi cuối làng.”

Mới bước chân đến đầu làng mà tim anh đã rộn rã niềm vui, bởi vì mộng ước tình duyên với em từ những ngày tháng cũ vẫn còn đó, nhất là khi nghe thấy cảnh thôn làng giờ đây rộn rã tiếng cười, khiến anh cảm thấy dường như mình đang lạc lối, bước vào một cánh đồng xanh đầy hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng: “Khi tới đầu thôn tim rộn ràng/ mơ ước mộng xưa chưa phai tàn/ mà làng thôn nay sao vui quá/ lâng lâng như lạc vào đồng hoa.”

Khi nhận ra anh chính là chàng trai lên đường nhập ngũ năm xưa, dân làng đã kể cho anh nghe rằng, sau ngày anh ra đi, đã có lần giặc đánh vào làng ta, gieo rắc không biết bao nhiêu là đau thương và tàn phá: “Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng/ giặc tràn qua thôn xóm/ gieo bao đau thương bao điêu tàn/ từ ngày anh vắng xa.”

Bìa nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của Tuấn Khanh. (Hình: Tài liệu)

Nhưng nay, dưới cánh tay che chở của các anh chiến sĩ Cộng Hòa, những đau thương của năm đó đã qua đi rồi, tình mình sẽ có dịp thăng hoa, thơm ngát vá ngất ngây như mùi hương nhè nhẹ của những cánh hoa soan bên thềm nhà, nơi hai đứa thường hẹn hò, tình tự mê say: “Nay qua đau thương yên bình rồi/ tình ta lên hương ngát/ Như hương hoa soan dâng bên thềm/ nhẹ nhàng như ngất say.”

Gặp nhau trong mấy ngày đoàn viên tràn đầy hạnh phúc, sau khi anh nói với em rằng hai đứa mình sẽ trọn đời thương nhau, thì em thỏ thẻ bên tai anh rằng mình yêu nhau mãi suốt đời nghe anh, bởi vì anh đã đem thân trai nợ nước đôi vai gánh nặng ra mà bảo vệ cuộc sống an bình cho dân lành, trong đó có em. Em muốn anh sẽ không bao giờ buồn khi mình xa nhau, và em ước ao rằng lâu lâu anh lại được phép về thăm nhà và thăm em một chuyến, cho dẫu anh chỉ về với em rồi mai lại đi, đường xa mang theo bao nhiêu tình ý: “Anh nhé mình thương nhau muôn đời/ Anh giữ gìn biên cương xa vời/ Đừng buồn khi xa nhau anh nhé/ Thăm em đôi ngày rồi anh đi.”

***

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh ngày 10 Tháng Mười Hai, 1933, tại Nam Định. Năm 1950, gia đình ông chuyển về Hà Nội, nơi đây ông học vĩ cầm từ người anh cả tên là Trần Trọng Tuấn, dẫn đến việc ông chọn tên Tuấn và tên Khanh, là tên của người con đầu lòng của ông anh, để ghép thành bút danh Tuấn Khanh của mình.

Tuấn Khanh tiếp tục học nhạc với các giáo sư Nguyễn Văn Diệp, De Haut và Rits. Năm 1953 ông đứng hạng nhì trong cuộc thi giọng hát hay của đài Pháp Á tại Hà Nội và giải nhất thanh nhạc của đài Phát Thanh Hà Nội.

Năm 1955, gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, ông đàn cho đài phát thanh và ban nhạc giao hưởng của Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Nhạc phẩm đầu tiên của Tuấn Khanh là “Đò Ngang” (viết cùng Y Vân).

Năm 1982, Tuấn Khanh sang Mỹ và định cư tại Garden Grove ở miền Nam California. Tại đây, ông có mở một quán phở mang tên nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của ông.
Năm 2002, trung tâm Thúy Nga thực hiện băng nhạc “Paris By Night 64 – Đêm Văn Nghệ Thính Phòng,” vinh danh Tuấn Khanh cùng hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng.
Năm 2021, trung tâm Thúy Nga lại thực hiện chương trình “Thúy Nga Music Box 41” với tựa đề “Tình Khúc Tuấn Khanh – Chiếc Lá Cuối Cùng,” với các ca sĩ Ý Lan, Ngọc Anh và Trần Thái Hòa.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Hình: Đức Tuấn/Người Việt)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh còn có các bút danh khác khi sáng tác, như Thương Hoài Thương (“Lệ Tình,” “Tuy Anh Không Nói”…), Trần Kim Phú (“Vì Lỡ Thương Nhau,” “Tỉnh Giấc”…), và Hoàng Mộng Ngân (“Tình Buồn Em Gái”…).

Các tác phẩm nổi tiếng và được ái mộ nhiều của Tuấn Khanh bao gồm “Chiếc Lá Cuối Cùng,” “Chiều Biên Khu,” “Chúng Mình Đẹp Đôi,” “Dưới Giàn Hoa Cũ,” “Giọt Lệ Vu Quy” (Tuấn Khanh – Hoài Linh), “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi,” “Hoa Soan Bên Thềm Cũ,” “Mùa Xuân Đầu Tiên,” “Quán Nửa Khuya” (Tuấn Khanh – Hoài Linh), “Thương Nhớ Người Đi” (Thu Hương – Tuấn Khanh),” “Tỉnh Giấc” (Trần Kim Phú – Hoàng Mộng Ngân)… (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của Tuấn Khanh

Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi,
xa vắng miền quê bao năm rồi,
về gặp em ngây thơ duyên dáng,
hôm xưa tiễn anh nơi cuối làng.

Khi tới đầu thôn tim rộn ràng,
mơ ước mộng xưa chưa phai tàn,
mà làng thôn nay sao vui quá,
lâng lâng như lạc vào đồng hoa.

Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng
giặc tràn qua thôn xóm,
gieo bao đau thương bao điêu tàn
từ ngày anh vắng xa.

Nay qua đau thương yên bình rồi
tình ta lên hương ngát.
Như hương hoa soan dâng bên thềm
nhẹ nhàng như ngất say.

Anh nhé mình thương nhau muôn đời.
Anh giữ gìn biên cương xa vời.
Đừng buồn khi xa nhau anh nhé!
Thăm em đôi ngày rồi anh đi.


 

MỚI CẬP NHẬT