Sunday, December 17, 2023

‘Giọt Buồn Không Tên,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Tô Giang

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Cũng như nhạc phẩm “Tình Anh Lính Chiến” của Lam Phương, “Biệt Kinh Kỳ” của Minh Kỳ và Hoài Linh, và “Thư Người Chiến Binh” của Văn Giảng, ca khúc “Giọt Buồn Không Tên” của Tô Giang là một bản “nhạc lính” nói lên tình yêu thương thắm thiết của hai người bạn trai thuần túy và trong sáng hồi thế kỷ trước.

Nhạc phẩm “Giọt Buồn Không tên” của Tô Giang. (Hình: Tài liệu)

Có thể nói rằng “Giọt Buồn Không Tên” của Tô Giang, một bút danh khác của nhạc sĩ Anh Bằng, là một bản “nhạc lính” chan chứa tình yêu thương chân thành của hai chàng trai trẻ trong dòng nhạc tình mùa chinh chiến tại miền Nam Việt Nam. Tình cảm trân quý này thật chẳng thua kém gì mấy “tình chiến hữu” và “tình đồng đội” trong quân ngũ của các anh chiến sĩ Cộng Hòa.

Nhạc phẩm này chính là nỗi niềm của kẻ ở người đi mà không hề biết ngày tái ngộ giữa mùa chinh chiến điêu linh thời Chiến Tranh Việt Nam trong thế kỷ trước. Đây chính là tâm sự chân thành của đôi bạn lòng về bao kỷ niệm, bao nhớ thương, và bao ước vọng cũng như ưu tư của người bạn tâm tình chốn hậu phương dành cho người trai đã lặng lẽ lên đường vui kiếp gió sương khi tổ quốc kêu lên tiếng sầu và lúc đất nước không thiếu gì cảnh biệt ly nhau.

Nhớ lại, mới chiều nào anh và tôi, tay trong tay, cùng nhau đi dạo phố trong tình bằng hữu gắn bó xưa nay. Cả hai đều hồn nhiên vui cười với nhau, một phần cũng bởi vì đôi ta quá đỗi thân thiết nhau và phần khác là vì cả hai người trong chúng ta chẳng ai biết rằng trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt, những vườn xưa rồi đây sẽ đoạn tuyệt dấu hài: “Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố/ Hai đứa vὸng tay âu yếm như đôi tình nhân/ Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tin Xuân/ Chúng mình thân quá thân.”

Dưới trời khuya, đôi bạn lòng đưa nhau vào một phòng trà ca nhạc trong thành phố, nơi các ca sĩ chuyên nghiệp say sưa trình bày các nhạc phẩm tình cảm hoặc “nhạc lính” đang thịnh hành tại miền Nam Việt Nam, như ca khúc “Biệt Ly” của Dzoãn Mẫn do nữ danh ca Thái Thanh trình bày. Hai đứa cùng nhìn nhau qua màn khói nghi ngút từ tách cà phê nóng như chất chứa “giọt buồn không tên” của một thời ly loạn mà cái yên bình chốn hậu phương thường khi phải được đánh đổi bằng máu đào của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngoài tiền tuyến: “Phὸng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca ‘Biệt Ly’/ Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê/ Giọt buồn không tên lе́n qua tâm tư đê mê/ Mình thức đêm thật khuya.”

Nhưng ai đâu có ngờ rằng, chỉ ít lâu sau cuộc bù khú bên nhau đó, anh đã lên đường làm bổn phận người trai thời ly loạn, khiến lòng tôi tan nát vì nhớ thương anh, người bạn thân thiết, tuy ít nói nhưng tính tình rất đỗi cương nghị, với lý trí mạnh mẽ của một chàng trai hiểu rõ bổn phận của mình giữa cơn quốc biến. Thì ra, anh đã giấu tôi chuyện này, có lẽ anh không muốn tôi phải bịn rịn lúc xa nhau vì biết rõ tôi thường yếu đuối trong tình cảm: “Qua ngày đó/ Tôi nghe người nói anh lên đường xa thật rồi/ Tôi buồn nhớ/ Tim đau rạn vỡ, ôi thương anh thương nhất đời.”

Sau cơn bàng hoàng vì mất anh, tôi mới hiểu ra rằng anh nhất quyết đi làm bổn phận của những chàng trai yêu nước, thương nòi khi nhìn thấy những đau thương của một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, quên đi tất cả những tình cảm bịn rịn, lưu luyến của những người thân yêu nơi quê nhà, trong đó có đàn em thơ dại và luôn cả người bạn tâm tình bao năm qua của anh: “Bàng hoàng như trong cơn chiêm bao tôi thầm nghĩ/ Non nước điêu linh yêu quê hương anh phải đi/ Can đảm lên đường/ Quên đàn em bе́ ngồi nhớ anh những đêm trường.”

Bìa nhạc phẩm “Giọt Buồn Không Tên” của Tô Giang. (Hình: Tài liệu)

Từ dạo hai đứa xa nhau, tôi vẫn băn khoăn không biết anh trôi dạt về đâu nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay, từ những cuộc hành quân qua Cambodia và sang Hạ Lào cho tới những chiến trường gai lửa cỡ Khe Sanh nơi địa đầu giới tuyến. Những người thân yêu nơi quê nhà vẫn luôn nhắc nhở tên anh, nhưng ít ai biết rõ anh đang xông pha nơi chiến trường nào: “Từ ngày xa nhau chinh chiến đưa anh về đâu/ Vai súng vượt biên mưa nắng Khe Sanh rừng sâu/ Người thân ai cũng nhắc tên anh trong thương yêu/ Biết giờ anh chốn nao?”

Vì cuộc chiến ngày càng tàn khốc và vì bao lớp trai hùng đều chào Xuân chiến trường, bạn bè của mình riết rồi mỗi người một nơi, khiến ánh trăng đêm nay không còn tha thiết như những mùa trăng đắm say năm xưa. Tôi lang thang trên đường phố vào một buổi chiều Thu gió lộng, tôi nghe gió ru cây, chim kêu trên ngàn mây dưới những chiếc lá me khô rơi rụng trong nỗi nhớ thương vô vàn người bạn năm xưa nay đã lên đường, vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi: “Bạn bѐ của ta mỗi đứa tha phương một nơi/ Khu phố ngày xưa nay vắng anh không cὸn vui/ Và hàng cây me trút lá khô trên vai tôi/ Càng nhớ thương bạn ơi!”

***

Tô Giang là một bút danh khác của nhạc sĩ Anh Bằng: Tô Giang chίnh là Anh Bằng, và Anh Bằng cũng chίnh là Tô Giang.

Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội học hành trước khi cùng gia đình di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneva năm 1954.

Năm 1957, chàng trai này nhập ngũ và phục vụ trong Liên Đoàn Công Binh Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ tài viết kịch và trình diễn kịch, Anh Bằng cùng các chiến hữu Công Binh được cử đi trình diễn văn nghệ tại nhiều đơn vị quân đội từ Quảng Trị cho tới Bình Định, để rồi sau đó được thuyên chuyển về phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho đến khi giải ngũ vào năm 1962.

Từ năm 1969 trở đi, Anh Bằng cùng hai nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ lập nên nhóm Lê Minh Bằng để vừa sáng tác nhạc vừa dạy nhạc, và nhóm này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như Trang Mỹ Dung, Kim Loan, Trúc Mai, Giáng Thu… Nhóm này cũng thành lập ban nhạc Sóng Mới chuyên trình diễn trên đài Phát Thanh Sài Gòn.

Năm 1975, sau ngày miền Nam tự do mất vào tay Cộng Sản, nhạc sĩ Anh Bằng sang định cư tại Hoa Kỳ, nơi ông thành lập một trung tâm băng nhạc lấy tên là Lê Minh Bằng, sau đổi thành Trung Tâm Dạ Lan. Rồi đến năm 1988, nhạc sĩ Anh Bằng thành lập Trung Tâm Asia, do ái nữ Thy Vân của ông làm quản lý cùng với sự cộng tác về kỹ thuật của nhạc sĩ Trúc Hồ.

Nhạc sĩ Anh Bằng, tác giả ca khúc “Giọt Buồn Không Tên” với bút danh Tô Giang. (Hình: Tài liệu)

Các sáng tác của Anh Bằng rất đa dạng, đặc biệt là những ca khúc phổ thơ và những nhạc phẩm ngoại quốc được ông chuyển sang lời Việt: “Căn Nhà Ngoại Ô,” “Nó,” “Nỗi Lòng Người Đi,” “Nửa Đêm Biên Giới,” “Sầu Lẻ Bóng,” “Giấc Ngủ Cô Đơn” (với Lê Dinh), “Lẻ Bóng” (với Lê Dinh), “Vọng Gác Lưng Đồi” (với Minh Kỳ), “Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về” (thơ Thái Can), “Anh Còn Nợ Em” (thơ Phạm Thành Tài), “Chuyện Giàn Thiên Lý” (thơ Yên Thao), “Khúc Thụy Du” (thơ Du Tử Lê), “Nếu Vắng Anh” (thơ Nguyên Sa), “Trúc Đào” (thơ Nguyễn Tất Nhiên)…

Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, tại Orange County, miền Nam California, thọ 89 tuổi. (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Giọt Buồn Không Tên” của Tô Giang

Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố
Hai đứa vὸng tay âu yếm như đôi tình nhân
Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tin Xuân
Chúng mὶnh thân quá thân.

Phὸng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca “Biệt Ly”
Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê
Giọt buồn không tên lе́n qua tâm tư đê mê
Mình thức đêm thật khuya.

Qua ngày đó
Tôi nghe người nόi anh lên đường xa thật rồi
Tôi buồn nhớ
Tim đau rạn vỡ, ôi thương anh thương nhất đời.

Bàng hoàng như trong cơn chiêm bao tôi thầm nghĩ
Non nước điêu linh yêu quê hương anh phải đi
Can đảm lên đường
Quên đàn em bе́ ngồi nhớ anh những đêm trường.

Từ ngày xa nhau chinh chiến đưa anh về đâu
Vai súng vượt biên mưa nắng Khe Sanh rừng sâu
Người thân ai cũng nhắc tên anh trong thương yêu
Biết giờ anh chốn nao?

Bạn bѐ của ta mỗi đứa tha phương một nơi
Khu phố ngày xưa nay vắng anh không cὸn vui
Và hàng cây me trút lá khô trên vai tôi
Càng nhớ thương bạn ơi!


 

MỚI CẬP NHẬT