Sunday, December 17, 2023

Nước Mỹ và chiến cuộc Trung Đông

Hiếu Chân/Người Việt

Lò lửa Trung Đông bùng cháy dữ dội sau cuộc tấn công bất ngờ và đẫm máu của nhóm dân quân Hamas vào miền Nam Israel sáng Thứ Bảy, 7 Tháng Mười, vừa qua làm dấy lên câu hỏi liệu Hoa Kỳ có sẽ tham gia chiến tranh hay không và đâu là những thách thức mà chính quyền Tổng Thống Joe Biden phải đối mặt.

Một người dân Palestine đứng nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở một khu nhà bị trúng hỏa tiễn của Israel tại dải Gaza. (Hình minh họa: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

Mỹ có tham chiến hay không? 

Ngay sau khi Hamas tấn công tổng lực vào 22 làng mạc, thị trấn biên giới của Israel giáp Dải Gaza và chính phủ của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước trong tình trạng chiến tranh, phát động chiến dịch trả đũa có tên “Kiếm Sắt,” Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lập tức điều động nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford tới Đông Địa Trung Hải để sẵn sàng ứng cứu khi tình hình biến động. Tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Israel “tất cả các phương tiện hỗ trợ thích hợp” và cảnh cáo các thế lực thù địch với Israel chớ lợi dụng tình hình để đục nước béo cò. “Chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ Israel. Israel có quyền tự vệ và bảo vệ người dân của mình,” ông Biden nói trên truyền hình lên án vụ tấn công đẫm máu của Hamas mà nhiều nhà quan sát ví như vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001 tại Mỹ hoặc vụ Tết Mậu Thân ở Việt Nam năm 1968.

Như vậy, chỉ hai năm sau ngày người lính Mỹ cuối cùng trở về nhà từ cuộc viễn chinh cuối cùng ở Afghanistan, nước Mỹ có nguy cơ phải tham dự một cuộc chiến mới ở hải ngoại. Một quan chức cao cấp và ẩn danh của Tòa Bạch Ốc nói với báo chí, hành động của Mỹ chủ yếu nhằm răn đe và đề phòng các tổ chức Hồi Giáo như Hezbollah ở Lebanon hoặc kẻ thù truyền kiếp của Israel là Iran mở mặt trận mới “chia lửa” với Hamas khi quân đội Israel phản công. Hezbollah đã cao giọng cảnh báo nếu quân đội Hoa Kỳ tham chiến thì lực lượng Hồi Giáo khắp vùng sẽ tấn công các căn cứ và các lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Chính vì thế, nhiều người cho rằng, Hoa Kỳ sẽ không trực tiếp tham chiến mà chỉ hỗ trợ Israel về tình báo và vũ khí, giống như việc người Mỹ đang làm trong cuộc chiến ở Ukraine. Những xung đột trong quá khứ làm nhiều người tin rằng, đội quân nhỏ nhưng thiện chiến và được trang bị vũ khí tân tiến của Israel có thừa năng lực đối phó với các nhóm như Hamas hoặc Hezbollah mà không cần sự tham gia trực tiếp của người Mỹ. Tình trạng yên ắng của thị trường chứng khoán New York hai ngày nay cũng như giá xăng dầu không tăng một cách đột ngột như lo ngại cho thấy giới kinh doanh vẫn tin cuộc chiến Trung Đông hiện nay chưa có tác động lớn đến nước Mỹ và kinh tế Mỹ.

Thế nhưng, vào Thứ Ba, 10 Tháng Mười, Tổng Thống Biden lần đầu xác nhận có 14 công dân Mỹ bị Hamas giết chết, một số bị bắt làm con tin. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, nói chính phủ vẫn chưa biết chính xác số người Mỹ bị giam giữ làm con tin nhưng ông cho biết hơn 20 người đang bị ghi nhận “mất tích.” Sinh mạng và sự an toàn của công dân Mỹ trong tay kẻ thù có thể là yếu tố làm thay đổi cục diện, thay đổi thái độ của người Mỹ và đưa quân đội Mỹ vào cuộc chiến mà Washington không muốn. “Với tư cách tổng thống, tôi không có ưu tiên nào cao hơn là sự an toàn của người Mỹ đang bị giữ làm con tin ở bất cứ đâu trên thế giới,” ông Biden nói. Tại thời điểm này, chưa rõ chính phủ và quân đội Mỹ sẽ làm gì để giải thoát con tin nhưng rõ ràng Hamas đã đặt ra trước mặt ông Biden một lựa chọn rất khó.

Về đâu hiệp định hòa bình Trung Đông? 

Vụ tấn công đẫm máu của Hamas có nguy cơ làm sụp đổ kế hoạch hòa bình Trung Đông mà chính quyền Biden theo đuổi. Mới ba tuần trước, ông Biden tiếp Thủ Tướng Netanyahu tại Tòa Bạch Ốc và cả hai nhà lãnh đạo đều lạc quan rằng một hiệp định hòa bình lịch sử giữa Israel và Saudi Arabia dường như đã ở trong tầm tay. Theo hiệp định này, Saudi Arabia sẽ từ bỏ lập trường chống đối sự tồn tại của nhà nước Israel đã có suốt hơn 70 năm qua, công nhận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel đổi lấy việc Hoa Kỳ ký hiệp định hỗ trợ an ninh cho Saudi Arabia. Mới tuần trước, ông Sullivan hào hứng nhận xét: “Khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn hai thập kỷ trước.” Thái Tử Mohammed bin Salman (MBS), người có thực quyền cai trị Saudi Arabia, cũng lạc quan cho biết mỗi ngày “chúng tôi lại đến gần hơn” một thỏa thuận lịch sử với Israel.

Một hiệp định hòa bình giữa Jerusalem và Riyadh sẽ là một di sản chính trị của ông Biden, ông Netanyahu, và Thái Tử MBS. Họ đã làm điều mà nhiều nhà lãnh đạo tiền nhiệm không thực hiện được.

Hiệp Định Israel-Saudi Arabia mà chính quyền Biden môi giới là bước tiếp nối của Hiệp Định Abrahams mà chính quyền Donald Trump thúc đẩy trước đây, theo đó Israel đã ký hiệp định bình thường hóa với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Bahrain, và Morocco. Hai hiệp định giữa Israel và các nước Ả Rập, được chính quyền Mỹ thúc đẩy dưới thời cựu Tổng Thống Trump và Tổng Thống Biden có thể mở đường cho nhiều quốc gia Ả Rập theo đạo Hồi từ bỏ thái độ phản đối Israel kể từ khi nước này thành lập năm 1948, đặt nền tảng cho sự ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở một khu vực vốn là lò lửa xung đột nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cả hai hiệp định đều không đếm xỉa đến nhu cầu của người Palestine về việc thành lập nhà nước độc lập, cũng không có biện pháp kiềm chế sự bành trướng của người Israel và chính sách đối xử tàn bạo với người Ả Rập dựa trên sự kỳ thị chủng tộc của chính quyền Israel. Do đó, các hiệp định này luôn gặp phải sự chống đối của nhiều tầng lớp dân chúng Ả Rập và bị các tổ chức cực đoan lợi dụng. Cuộc tấn công của Hamas hôm Thứ Bảy và phản ứng từ chối lên án Hamas của phần lớn thế giới Ả Rập đặt câu hỏi, liệu hai hiệp định cải thiện quan hệ của Israel với một số nước Trung Đông có thể bỏ qua khát vọng sống, khát vọng chủ quyền của người Palestine hay không. Ngay sau vụ tấn công, Bộ Ngoại Giao Saudi Arabia ra tuyên bố không lên án Hamas mà nói họ đã nhiều lần cảnh báo “sự chiếm đóng của Israel, tước đoạt các quyền hợp pháp của người dân Palestine và việc lặp lại các hành động khiêu khích có hệ thống” sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Dù sao, qua vụ tấn công hôm Thứ Bảy, Hamas đã đạt được phần nào mục đích phá hủy sáng kiến hòa bình của Mỹ, Israel, và Saudi Arabia. Sau vụ này, Hamas có thể bị xóa sổ, căn cứ của họ ở Gaza có thể bị san bằng nhưng tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với thế giới Ả Rập chắc chắn sẽ bị ngừng lại, nếu không nói là đã chết lâm sàng. Tại thời điểm này, cả Washington và Riyadh đều khẳng định đàm phán hòa bình Israel-Saudi Arabia vẫn tiếp tục nhưng cuộc chiến leo thang làm cho lời khẳng định đó ít được tin tưởng. Cho dù có được tái tục sau này, hiệp định giữa Israel với Saudi Arabia nhất thiết phải được điều chỉnh để phản ánh tiếng nói của người Palestine và Israel phải có những nhượng bộ đáng kể.

Ai hưởng lợi? 

Chính quyền Biden từng hy vọng một Trung Đông ổn định sẽ cho phép Washington được rảnh tay đối phó với những thách thức lớn ở nhiều nơi khác: Đối phó với Nga ở Ukraine, với Trung Quốc ở Biển Đông và Đài Loan chẳng hạn. Nhưng đáng tiếc, cuộc tấn công bất ngờ và đẫm máu của Hamas làm chệch hướng tất cả. Nó không chỉ buộc nước Mỹ phải căng sức trên nhiều mặt trận mà còn làm giảm đáng kể nguồn lực của Mỹ cung cấp cho các đồng minh ở Châu Âu và Châu Á. Người được hưởng lợi trong hành động của Hamas không ai khác hơn là Tổng Thống Vladimir Putin của Nga và Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

Một quốc gia hưởng lợi khác là Iran. Iran là nước bảo trợ cho hai tổ chức Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Dải Gaza. Mỗi năm, Iran viện trợ cho Hamas hàng trăm triệu đô la, phần lớn là vũ khí. Nhưng sau vụ tấn công, các quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc như Ngoại Trưởng Antony Blinken đều nói họ biết Iran đồng lõa với Hamas nhưng không có bằng chứng cho thấy Iran có liên can trực tiếp tới sự kiện hôm Thứ Bảy. Lãnh đạo thần quyền Iran cũng phủ nhận sự can dự của họ.

Khác với người tiền nhiệm, ông Biden có phần mềm mỏng hơn với Iran để tìm cách nối lại hiệp định về chương trình hạt nhân của Iran ký kết với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, và Đức (gọi tắt là P5+1) năm 2015, nhưng sau đó bị Tổng Thống Trump rút ra vào năm 2017. Mới tháng trước, Washington đồng ý trao đổi tù nhân với Tehran và tháo khoán khoản tiền $6 tỷ của nước này đang bị đóng băng ở Nam Hàn vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Các chính trị gia cao cấp nhất của đảng Cộng Hòa đã lập tức chỉ trích ông Biden và tố cáo, khoản tiền đó đã được Iran hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố, dẫn tới vụ tấn công vừa qua của Hamas. Lời tố cáo đó không đúng sự thật, không có căn cứ, nhưng cũng đang làm cho chính quyền Biden hết sức khó xử khi nó lan truyền mạnh mẽ trong dư luận Mỹ nhờ bộ máy truyền thông của đảng Cộng Hòa. Dù vậy, sau sự kiện Trung Đông, chính sách của Mỹ với Iran có thể phải thay đổi sang hướng cứng rắn.

Cuộc đụng độ giữa nước Mỹ và các thế lực chuyên chế hắc ám Nga, Trung Quốc, Iran xem ra càng ngày càng gay gắt và phức tạp, khủng hoảng nối khủng hoảng, chưa thấy có điểm dừng. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT